Hà Nội: Cần rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển cơ sở giáo dục và đào tạo

08/08/2023, 14:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu cần rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; chú trọng đến chất lượng giáo dục đại trà; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục.

photo-1691476420393

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW - Ảnh: VGP/GH

Khắc phục "Bệnh thành tích" trong giáo dục và đào tạo của Thủ đô

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Nghị quyết số 29-NQ/TW là Nghị quyết vô cùng quan trọng, với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện đối với các vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, góp phần đổi mới trong phổ cập giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo dục và tự chủ đại học...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu, trong 10 năm qua, số lượng học sinh Hà Nội tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho giáo dục Thủ đô về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm của các cấp, ngành nên Hà Nội có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia lớn, Hà Nội đã tăng cường đầu tư, phục vụ đại học trong nhà trường; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đi đầu cả nước; cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài được coi trọng...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị sau hội nghị, Hà Nội hoàn thiện các báo cáo, bổ sung số liệu để gửi về Ban chỉ đạo thực hiện tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Trong đó quan tâm tới các kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù cho Thủ đô để đưa nền giáo dục không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các đơn vị đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Trong đó, một số quận/huyện đã có cách làm phù hợp với thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục đào tạo như Thanh Xuân, Ba Vì, Đan Phượng… nhờ đó chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao.

Nêu những khó khăn trong công tác giáo dục và đào tạo của Thủ đô thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 10 năm qua thành phố đã đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này và trong 10 năm tới con số cũng tương tự. Điều đó cho thấy, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục – đào tạo. Cùng với đó là chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường, với việc thí điểm chính sách đặt hàng trong giáo dục đào tạo, giúp giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý đội ngũ của mình trong các nhà trường.

Ngoài ra, Thành phố cũng quan tâm đến các cấp học, ngành học, kể cả đào tạo nghề. Nhờ đó, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp.

Tuy nhiên, về hạn chế, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, công tác phân luồng học sinh học nghề còn chưa tốt, tư tưởng trọng bằng cấp vẫn còn; việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề và giáo dục đại học còn khiêm tốn.

Đặc biệt, bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô vẫn còn nặng nề khi các địa phương chỉ đề cập đến các học sinh đạt giải nhưng lại không chú trọng đến chất lượng giáo dục đại trà.

Nhất trí với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị trên địa bàn thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, để qua đó các huyện "xích gần hơn" với các quận về công tác này. Trong đó, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này. Từ đó, các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo.

Đối với ngành Giáo dục - đào tạo thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu tham mưu thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối với các đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường, qua đó góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô trên tinh thần "văn hiến, văn minh, hiện đại".

Cùng với đó là chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể là xây dưng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/ha-noi-can-ra-soat-cap-nhat-quy-hoach-phat-trien-co-so-giao-duc-va-dao-tao-103230808133809106.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/ha-noi-can-ra-soat-cap-nhat-quy-hoach-phat-trien-co-so-giao-duc-va-dao-tao-103230808133809106.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Cần rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển cơ sở giáo dục và đào tạo