Hà Nội: Chủ động các phương án khi đón học sinh lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường

Đình Tuệ | 04/04/2022, 14:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo lãnh đạo một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội, tùy vào tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học lại, nhà trường sẽ chủ động các phương án theo hướng linh hoạt.

Nhiều trường công bố tỷ lệ phụ huynh đồng ý phương án cho học sinh từ lớp 1 - 6 được đi học trở lại đạt trên 80%.Nhiều trường công bố tỷ lệ phụ huynh đồng ý phương án cho học sinh từ lớp 1 - 6 được đi học trở lại đạt trên 80%.

Đa số phụ huynh đồng ý cho con đi học

Mới đây, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã gửi mẫu đề nghị các Phòng GD&ĐT và các trường lấy ý kiến phụ huynh học sinh về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường học trực tiếp. Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục, đây là bước đi cần thiết để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh khi tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát trên địa bàn Thủ đô.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức cho biết, qua số liệu khảo sát ngay trong sáng 4/4, kết quả có 260/286 phụ huynh (tương đương 90%) đồng ý với phương án cho học sinh lớp 6 đi học lại. Hiện tại, nhà trường vẫn đang dạy học trực tiếp với các khối 7, 8, 9. Số lượng học sinh và giáo viên bị nhiễm Covid-19 đang giảm dần, chỉ còn lác đác một vài trường hợp nên thầy cô vẫn bố trí cho các em này học trực tuyến.

"Khoảng 10% phụ huynh hiện chưa đồng ý cho con trở lại trường vì những lý do khác nhau. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ căn cứ vào chỉ đạo của cấp trên để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp trên tinh thần linh hoạt, chủ động các phương án khác nhau. Nếu được đón các em khối 6 đi học trở lại cùng các khối còn lại, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến theo từng lớp. Sau đó nếu điều kiện cho phép sẽ cho các em học trực tiếp 100% để đảm bảo chương trình" - cô Kim Dung nhấn mạnh.

Là đơn vị có hơn 1.000 học sinh đang theo học, Trường Tiểu học Yên Thường, huyện Gia Lâm cũng tiến hành lấy ý kiến phụ huynh về việc mở cửa trường. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Hà chia sẻ, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con trở lại trường đạt 89,08%. Đa số cha mẹ học sinh nhận thấy tình hình dịch đang dần được kiểm soát, bố mẹ phải tham gia lao động sản xuất, con em không có người chăm sóc. Hơn nữa, việc học trực tuyến không thể an tâm bằng có thầy cô quản lý, hướng dẫn các em. Đặc biệt, có rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu không được tới trường sẽ gây bất ổn về tâm sinh lý cho trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh, học sinh đều mong ngóng tới ngày được trở lại trường học trực tiếp với các thầy cô giáo.

Cũng theo cô Hà, hiện nhiều trường THCS trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức dạy hai buổi và cho ăn bán trú. Người quản lý dù rất lo nhưng vẫn cố gắng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh, giảm bớt những vấn đề nảy sinh cho các em. Khi dạy học trực tiếp, chắc chắn công tác phòng chống dịch vẫn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Đồng thời, có thể tổ chức bán trú cho những gia đình có nhu cầu. Nhà trường đã chuẩn bị phương án bố trí đường truyền tốt, máy chiếu, máy tính để nếu cần thiết vẫn đảm bảo dạy online - offline kết hợp.

Luôn chủ động các phương án

Với tổng số 2.087 học sinh, Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông cũng thông tin, qua khảo sát có 87,1% phụ huynh đồng ý cho con đi học trực tiếp. Cô Trần Thị Quyên - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, thực hiện chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, nhà trường đã lấy ý kiến cha mẹ học sinh. Những trường hợp không đồng ý chủ yếu vì lý do sức khỏe, phụ huynh lo lắng con chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên còn do dự.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Thượng, huyện Hoài Đức cho hay, qua lấy ý kiến cho thấy tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học trở lại đạt cao, có những lớp 100%. Toàn trường có khoảng 1.600 học sinh, nhiều phụ huynh bận đi làm không có thời gian nên đề xuất với nhà trường vừa dạy trực tiếp, vừa tổ chức bán trú luôn cho các em. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ tiếp tục báo cáo để xin ý kiến lãnh đạo Phòng GD&ĐT về việc mở cửa trường học.

"Thực tế cho thấy, đa số các lớp chỉ có khoảng 3-4 phụ huynh không đồng ý. Tuy nhiên, nếu trong mỗi khối mà có lớp nào đông phụ huynh không cho con đi nhất, nhà trường dự kiến sẽ lắp camera tại chính lớp đó để thầy cô dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến cho các em. Khi đó, một vài em lẻ tẻ ở lớp khác mà cùng khối muốn học online, nhà trường sẽ dồn chung vào lớp đó học luôn. Tức là, giáo viên vẫn giảng dạy trên lớp và phát trực tiếp thông qua phần mềm Zoom. Nhìn chung, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đường truyền mạng, đội ngũ giáo viên luôn được nhà trường chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh của cấp trên sẽ cho tổng vệ sinh toàn trường để đón học sinh", cô Quyên nói.

Học sinh tiểu học ở Hà Nội đã phải học online trong suốt nhiều tháng qua vì dịch bệnh.

Nhấn mạnh tới vai trò của việc cho học sinh quay lại trường, chị Lê Thị Ngọc (trú quận Hà Đông) cho biết, nhà có hai con đang học lớp 1 và lớp 5 vẫn đang phải học trực tuyến suốt nhiều tháng qua. Đây đều là lớp đầu và cuối cấp nên rất quan trọng. Cậu con lớn học lớp 5 và đang trong quá trình hoàn thành chương trình để chuẩn bị ôn tập lên lớp 6. Thông qua những buổi ngồi cùng hướng dẫn con học bài, chị Ngọc càng thấu hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của các thầy cô khi dạy online.

Người mẹ này tâm sự, dù là người lớn cũng cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi phải ngồi bên máy tính suốt vài tiếng huống hồ trẻ con. Hơn nữa, độ tiếp thu của trẻ cũng không thể bằng học trên lớp, các cô hướng dẫn cách viết từng nét chữ vẫn hơn là dạy qua video. Ngoài ra, Nhà nước đã có chủ trương không cần phải đợi tiêm xong vắc xin thì mới cho học sinh đến trường. Do đó, các em được trở lại học sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, thời gian còn lại của năm học này cũng không còn nhiều.

"Ngay từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, tôi rất muốn con mình được đến trường. Sẽ là rất vô lý khi thành phố đã cho phép gần như tất cả các dịch vụ công cộng như công viên, rạp chiếu phim... mà trường học lại chưa mở cửa. Suốt thời gian qua, chất lượng dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng là điều ai cũng nhìn thấy. Hệ lụy về mặt tâm lý của trẻ do không được giao tiếp với bạn bè cũng là nhãn tiền. Hơn lúc nào hết, các cấp lãnh đạo cần nghiên cứu sớm phương án cho học sinh tiểu học đến trường", anh Vũ Viết Nam - phụ huynh một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai bày tỏ.

Theo số liệu vừa được lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm công bố, qua khảo sát ý kiến phụ huynh thì có 77,3% (tiểu học) và 79,8% (lớp 6) đồng ý cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Quận này cũng sẽ tiếp tục duy trì trạng thái dạy online cho các em không đến trường.

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, đơn vị này đang tổng hợp số liệu thống kê từ các Phòng GD&ĐT về việc các trường lấy ý kiến phụ huynh xem có cho học sinh đi học lại hay không. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo chung là cần làm theo hướng linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế. Nếu được thành phố cho phép mở cửa trở lại, các trường sẽ căn cứ vào điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền, đội ngũ giáo viên để quyết định hình thức dạy học phù hợp; đảm bảo quá trình học tập được duy trì liên tục nếu học sinh không đến trường.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Chủ động các phương án khi đón học sinh lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường