Hà Nội đầu tư nguồn lực xây trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

17/08/2023, 18:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non Hà Nội trong năm học 2023-2024 là tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Chiều 17/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 cấp học mầm non. Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội, trực tuyến đến các điểm cầu Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022- 2023, toàn thành phố có 18 trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài, 1.147 trường mầm non (công lập, ngoài công lập) và 2.461 cơ sở giáo dục mầm non độc lập với tổng số hơn 510.000 trẻ.

Thực hiện tốt chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - hạnh phúc”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, các đơn vị đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, huy động sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, các lực lượng xã hội nhằm tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo nguồn thực phẩm an toàn và sân chơi bổ ích giúp trẻ phát triển toàn diện.

Trong năm học qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiểm định chất lượng và công nhận trường chuẩn quốc gia cho 118 trường, trong đó công nhận mới 42 trường, công nhận lại 76 trường. Đến nay, toàn thành phố có 634 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường công lập đạt 76,8%.

Hà Nội đầu tư nguồn lực xây trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ảnh 1

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chủ trì Hội nghị.

Các quận, huyện hoàn thành và vượt kế hoạch công nhận chuẩn quốc gia tiêu biểu có: Hà Đông, Ba Vì, Hoài Đức, Thường Tín, Ba Đình, Bắc Từ Liêm. Các đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn và chuẩn mức độ 2 đạt cao gồm Tây Hồ, Long Biên, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện còn 9/30 quận, huyện, thị xã có tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia dưới 70%. Do đó, Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT rà soát, đối chiếu tiêu chuẩn, tham mưu giải pháp khắc phục đầu tư, bảo đảm tiến độ công nhận mới, công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia và tiếp tục tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đi học.

Đối với quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, cần tham mưu chính quyền địa phương ưu tiên xây dựng trường mầm non nhằm tăng tỷ lệ trẻ đi học tại trường mầm non công lập.

Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập, thực hiện duy trì chất lượng phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tăng cường đổi mới hình thức tổ chức, chất lượng hoạt động giáo dục chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng, tâm thế cho trẻ em 5 tuổi vào lớp 1.

Trước những khó khăn còn tồn tại của giáo dục mầm non, các đơn vị kiến nghị sớm có cơ chế chính sách quan tâm đội ngũ giáo viên nói chung, trong đó có đội ngũ giáo viên mầm non nói riêng, chăm lo đời sống cho cán bộ giáo viên, nhân viên, tăng phụ cấp cho nhân viên nuôi dưỡng, sớm có văn bản hướng dẫn điều chỉnh mức thu đối với giáo dục mầm non.

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới với cấp mầm non, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT; tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các trường mầm non để đáp ứng nhu cầu của học tập của người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội đầu tư nguồn lực xây trường mầm non đạt chuẩn quốc gia