'Hà Nội học' thành môn bắt buộc: Không thể dạy theo kiểu 'đồng phục'

01/04/2024, 17:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảng dạy môn “Hà Nội học” cho HS Thủ đô cần thiết, tuy nhiên, cần lựa chọn các nội dung, thời lượng phù hợp từng nhóm HS.

Tuy nhiên, nếu đưa “Hà Nội học” thành một môn học độc lập trong nhà trường sẽ có phần không phù hợp với chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT. Về mặt khoa học sư phạm, nếu là môn học phải có nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như cách thức đánh giá học sinh. Nếu đưa nội dung này dạy tích hợp vào hoạt động Giáo dục địa phương, Hà Nội nếp sống thanh lịch - văn minh theo hướng nhẹ nhàng thì sẽ hợp lý hơn. Khi đó, học sinh vẫn được tìm hiểu về truyền thống của người Hà Nội.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, NGƯT Lê Thanh Hà – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm) nêu quan điểm, chủ trương của lãnh đạo thành phố cần thiết trong bối cảnh Hà Nội đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ mọi mặt. Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần bắt đầu từ lĩnh vực giáo dục. Trong mỗi gia đình, ông bà, bố mẹ chăm lo, dạy dỗ con cái về truyền thống gia đình tốt đẹp, sống hiếu thuận với cha mẹ thì khi ra ngoài xã hội, các em sẽ có cách ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật.

“Trường Tiểu học Bình Minh đang chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật và không khuyết tật. Khối lượng, tính chất công việc của các thầy cô vô cùng vất vả so với trường khác. Về đề xuất đưa môn ‘Hà Nội học’ trở thành môn học bắt buộc giảng dạy trong trường học, tôi cho rằng lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô cần nghiên cứu kỹ để tham mưu cho thành phố, khi đủ điều kiện mới áp dụng. Bởi đã thêm môn học thì phải thêm giáo viên, chế độ đãi ngộ thầy cô phải đảm bảo. Nếu không, họ sẽ nhận việc trong im lặng nhưng hiệu quả không cao”, NGƯT Lê Thanh Hà đặt vấn đề.

Tại Trường ĐH Hà Nội, học phần “Hà Nội học” được đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2018 cho sinh viên thuộc 11 chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ của trường. Chia sẻ thông tin, ThS Nguyễn Thị Hà – giảng viên Bộ môn Ngữ văn Việt Nam đồng thời cho hay: Phương pháp tiếp cận hiện nay không chỉ lấy lịch sử - văn hóa trụ cột mà còn dựa trên tri thức tổng hợp, toàn diện về mối quan hệ giữa thiên nhiên - con người - lịch sử - văn hóa của mảnh đất là kinh đô, Thủ đô qua nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam.

Học phần Hà Nội học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản và có hệ thống về Hà Nội về vị thế địa lý, quá trình hình thành cộng đồng cư dân và đặc trưng tính cách con người Hà Nội, tiến trình lịch sử và các di sản văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Nếu đưa “Hà Nội học” thành môn bắt buộc giảng dạy ở trường phổ thông của Thủ đô cần xác định đưa môn này vào dạy ở cấp học nào, mục tiêu đào tạo là gì? Từ đó mới lựa chọn được nội dung giảng dạy thích hợp và biên soạn sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học.

ThS Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, nội dung giảng dạy nói chung nên theo cách tiếp cận toàn diện, tức là tìm hiểu về Hà Nội trên các phương diện về điều kiện tự nhiên - cư dân - lịch sử - văn hóa. Trong đó, nhấn mạnh về lợi thế tự nhiên; lối sống đặc trưng của người Hà Nội (thanh lịch, tinh tế và trọng học vấn...); các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô. Các trường có thể nghiên cứu để kết nối, liên kết với môn học liên quan như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý để học sinh hiểu hơn về Hà Nội.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-hoc-thanh-mon-bat-buoc-khong-the-day-theo-kieu-dong-phuc-post677451.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-hoc-thanh-mon-bat-buoc-khong-the-day-theo-kieu-dong-phuc-post677451.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hà Nội học' thành môn bắt buộc: Không thể dạy theo kiểu 'đồng phục'