Cụ thể, ở cấp THPT, học sinh sẽ có 5 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng An ninh và Giáo dục thể chất. Các môn còn lại, các em lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Việc học sinh lựa chọn các tổ hợp không đều nhau sẽ dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Do đó, cần nghiên cứu để có kế hoạch tuyển sinh phù hợp, sắp xếp lớp phù hợp với điều kiện của nhà trường nhưng đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của học sinh trong việc lựa chọn các môn học. Đây cũng là vấn đề các nhà trường cần quan tâm đến vấn đề đổi mới chương trình sách giáo khoa 2018.
Tại hội nghị, các tác giả đưa ra ý tưởng của mình trong quá trình biên tập sách, các thầy cô ở các bộ môn sẽ lắng nghe để hiểu được ý tưởng của các tác giả trong quá trình xây dựng tài liệu ở các môn học. Sau hội thảo, các trường sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn giúp giáo viên nghiên cứu để lựa chọn sách sử dụng trong trường mình ở các môn học.
Do đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung nghe các nhóm tác giả trình bày về nội dung các bộ sách, hiểu được ý tưởng của tác giả khi cung cấp kiến thức. Sau đó cùng trao đổi, thảo luận về nội dung, kiến thức, cách trình bày, kênh hình, kênh chữ ở các cuốn sách đó, lựa chọn xem cuốn sách nào phù hợp với trường mình, khu vực mình.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn các nhà xuất bản, các nhóm tác giả trình bày những vấn đề mang tính ý tưởng về nội dung cuốn sách đã biên soạn, logic các mạch kiến thức; trình bày chi tiết, định hướng cho các thầy cô các môn học về cuốn sách của mình; để sau buổi hôm nay, các nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo trao đổi để có thể lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất.
Đồng thời mong các nhà xuất bản cung cấp đầy đủ tài liệu, có thể bằng bản sách cụ thể, có thể bằng các đường link của các bộ sách mà các NXB đã số hóa để giúp các thầy cô có điều kiện nghiên cứu tiếp cận cụ thể, chi tiết, đầy đủ nhất, giúp cho việc trao đổi, thảo luận tại các nhà trường được tốt nhất.