Kết quả khảo sát cho thấy, các trường học tại Hà Nội cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện điểm số tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp diễn ra.
Rất nhiều thí sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát lớp 12 năm học 2024-2025. Với 148.003 bài thi điểm dưới trung bình, chiếm tỉ lệ 31,86% đã cho thấy còn một bộ phận học sinh cần được tăng cường hỗ trợ ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trước đó vào tháng 3/2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức kỳ thi khảo sát học sinh lớp 12, còn gọi là kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, "thi thử như thật" nhằm đánh giá chất lượng học sinh, giúp các nhà trường có định hướng ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình GDPT 2018.
Tham gia kỳ khảo sát, mỗi học sinh thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật..
Công tác khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 của Hà Nội được tổ chức như một kỳ thi thật. Toàn bộ các khâu tổ chức như in sao đề, giao đề, tổ chức thi, sắp xếp phòng thi, chấm thi... được thực hiện bài bản, đúng quy chế.
Sau khi hoàn thiện công tác chấm thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổng hợp điểm thi của từng trường, từng cụm; phân tích phổ điểm từng môn thi để có đánh giá tổng quan, chính xác, thực chất nhất về kết quả học tập của học sinh lớp 12.
Kết quả cho thấy: Cụm trường thuộc khu vực trung tâm có kết quả khảo sát cao hơn cụm trường thuộc khu vực ngoại thành. Đơn cử như cụm Đống Đa, cụm Ba Đình - Tây Hồ có kết quả điểm trung bình cao; trong khi đó các cụm Sơn Tây - Ba Vì; Ứng Hòa - Mỹ Đức... có kết quả thi chưa tốt.
Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, kết quả khảo sát lớp 12 năm nay thấp hơn so với năm ngoái; số bài thi đạt điểm tuyệt đối ít; tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ gần 32%; trên 10% bài thi môn Toán có kết quả từ 3 trở xuống; với môn Ngữ văn, Sinh học, Công nghệ định hướng công nghiệp, tỷ lệ bài thi có kết quả từ 3 trở xuống là trên 5%.
Đáng lưu ý, Sở GD&ĐT Hà Nội điểm danh 25 đơn vị có điểm trung bình các môn thi thấp nhất thành phố; đó chủ yếu là các Trung tâm GDNN-GDTX. Cùng với đó, Sở còn thống kê số lượng thí sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT tại một số đơn vị.
Cùng 25 đơn vị có điểm trung bình khảo sát thấp nhất, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thông tin về tốp 20 trường có điểm trung bình khảo sát cao nhất và điểm trung bình của từng trường.
Đó là các trường THPT chuyên Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Yên Hoà, THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa; THPT Nguyễn Thị Minh Khai...
Tốp 20 trường có điểm khảo sát cao nhất cho thấy, đây là các trường THPT chuyên, trường THPT có điểm chuẩn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thuộc tốp cao nhất Hà Nội. Học sinh các trường này là những em có ý thức tự giác học tập rất cao; phụ huynh cũng luôn sát sao, đồng hành với các con trong quá trình học và ôn tập.
Tăng cường giải pháp hỗ trợ học sinh ôn thi
Kết quả kỳ thi khảo sát cho thấy nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT của một bộ phận thí sinh Hà Nội còn cao. Có thể kể đến các trung tâm GDNN-GDTX, các trường nghề và một số trường THPT khu vực ngoại thành. Do đó, từ nay đến kỳ thi chính thức, các nhà trường cần tăng cường hỗ trợ học sinh.
Thầy Đào Huy Nam - Phó hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức C cho biết, trong đợt khảo sát vừa qua, trường có 389 học sinh tham dự, trong đó có 6 học sinh thuộc diện trượt tốt nghiệp. Sau khi biết kết quả khảo sát, nhà trường đã lên phương án tập trung ôn tập cho những học sinh này, giúp các em chuẩn bị kiến thức, kĩ năng để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy cho rằng, kết quả khảo sát học sinh lớp 12 của trung tâm vừa qua không cao do một số nguyên nhân, trong đó có việc thi theo chương trình mới, học viên có ý thức tự giác học tập chưa cao...
Sau kỳ khảo sát, trung tâm tiếp tục phân tích chất lượng các bộ môn, trên cơ sở đó điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng bộ môn, từng học viên; thành lập các nhóm học viên yếu để tăng cường ôn tập.
Năm nay, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về cấu trúc, định dạng đề thi, môn thi; trong khi đó, thực hiện quy định tại Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT về quản lý dạy thêm, học thêm, công tác ôn thi tốt nghiệp THPT có thời lượng giảm đáng kể so với năm trước.
Mặt khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới; trong đó có quy định bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Đây là điều học sinh cần hết sức lưu ý và phải tăng cường hơn nữa trong chiến lược ôn thi.
Hiện tại, ngoài ôn thi tốt nghiệp miễn phí tại trường, Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích học sinh và đơn vị về việc đa dạng hóa hình thức ôn tập. Để hỗ trợ học sinh mọi vùng miền, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai chương trình ôn thi trên kênh sóng của Đài PTTH Hà Nội. Ngoài ra, thí sinh còn có thể cài đặt ứng dụng Hanoi On để chủ động ôn luyện.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26-27/6. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước với khoảng 126.000 thí sinh, tăng khoảng 15.000 học sinh so với năm 2024; trong đó thí sinh THPT là gần 103.300; thí sinh giáo dục thường xuyên là hơn 17.300 và thí sinh tự do khoảng hơn 5.000.
Với quyết tâm nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, từ nay đến kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn, vị, nhà trường sẽ bằng nhiều giải pháp; tăng tốc ôn tập, nâng cao tinh thần quyết tâm để bảo đảm học sinh được củng cố, bồi dưỡng kiến thức tốt nhất, tự tin bước vào kỳ thi.