Cụm thiên hà SMACS 0723, hình ảnh chính thức đầu tiên của Webb được công bố vào tháng 7 năm 2022.
Hubble được đưa lên quỹ đạo bởi tàu con thoi Discovery. Nó chuyển động trên quỹ đạo quanh Trái Đất, cách bề mặt hành tinh khoảng 570 km. Trong khi đó, Webb được đưa vào điểm L2 (một trong các điểm Lagrange). Điểm này cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km, ở phía bên kia so với Mặt Trời. Vì khoảng cách rất xa này, nó cần tới lực đẩy của tên lửa Ariane 5 do châu Âu chế tạo.
Tại điểm L2, James Webb tránh được một phần lớn bức xạ tới từ Mặt Trời, giúp nó không bị nhiễu bởi bức xạ nhiệt từ Mặt Trời và thậm chí chính Trái Đất. Nhờ một tấm chắn sáng có kích thước tương đương một sân tennis, nó có thể tránh được bức xạ Mặt Trời một cách triệt để và giữ được nhiệt độ ở mức -240 độ C. Chỉ có ở nhiệt độ cực thấp này, nó mới không tự phát ra bức xạ nhiệt (tức là tia hồng ngoại) và tự thu được chính nó.
Như vậy, có thể thấy rằng về nguyên lý và yêu cầu kỹ thuật, James Webb là chiếc kính phức tạp hơn Hubble rất nhiều, và đó cũng là lý do chính mà các nhà quản lý dự án phải hết sức thận trọng trước khi đưa nó vào bệ phóng.
Sau khi đã phóng thành công và đi tới điểm L2 ít lâu sau đó, James Webb đã mang lại nhiều hình ảnh và thông tin có giá trị về những thiên hà xa xôi nhất trong vũ trụ hay đặc điểm của các cụm sao và ngoại hành tinh. Nếu không có rủi ro hoặc biến cố nghiêm trọng về kỹ thuật, chiếc kính này sẽ tiếp tục là một trong những công cụ quan trọng nhất của nhân loại trong thập kỷ này trong việc khám phá không gian bên ngoài Trái Đất. Cái mà nhân loại trông đợi ở nó sẽ không phải những bức ảnh đẹp hay những góc nhìn thú vị, mà trên hết là những thông tin quý giá và những bí ẩn chưa từng ai biết tới sẽ dần được hé lộ trong tương lai.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
(Hiệu đính và bổ sung từ bài của tác giả đã đăng khi Webb vừa được phóng thành công, tháng 12 năm 2021.)