Công suất dự phòng miền Bắc cuối năm 2023 ở mức thấp
Với những tháng còn lại của năm 2023 (giai đoạn từ tháng 9-12) Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 95,6-97,2 tỷ kWh, tăng trưởng 9,9%-11,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9-283,6 tỷ kWh, tăng từ 5,1-5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1-99,6% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục, mực nước hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
"Tuy nhiên, do các tổ máy nhiệt điện miền Bắc phải thực hiện bảo dưỡng sửa chữa theo kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng cho phát điện mùa khô năm 2024, công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp tại một số thời điểm trong các tháng cuối năm 2023.
Để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023 như nhu cầu phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về hồ tiếp tục thấp…phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Để đảm bảo cung ứng điện cho những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, đảm bảo an ninh cung cấp điện thời gian tới.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng công ty Đông Bắc đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho sản xuất điện.