Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay

04/04/2024, 11:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay 6-6,5%, theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 3/4.

Theo cơ quan này, kinh tế xã hội quý I khởi sắc hơn cùng kỳ 2023 ở nhiều lĩnh vực. GDP quý I tăng 5,66%, mức cao nhất từ năm 2020. Cùng đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở 3,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.

Kịch bản 1, GDP tăng 6%, mức thấp nhất trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Với kịch bản này, tăng trưởng 9 tháng cuối năm khoảng 6,12%, trong đó quý II là 5,85%. Mức tăng GDP quý III và IV lần lượt 6,22 và 6,28%.

Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%. Theo đó, GDP quý II và III lần lượt 6,32 và 6,79%. Riêng quý cuối năm phải tăng 7,08%.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, tức GDP năm 2024 tăng 6,5%. Nhưng để đạt tăng trưởng cao nhất, điều kiện là tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi, cùng các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ thực hiện đồng bộ.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ, sáng 3/4. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ, sáng 3/4. Ảnh: VGP

Ở khía cạnh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương "cần phấn đấu ở mức cao nhất đạt và vượt các mục tiêu, nhất là tăng trưởng khoảng 6,5% năm nay".

Ông yêu cầu các bộ, ngành chủ động trong phản ứng chính sách. Chẳng hạn, hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu đã hoàn thành trong tháng 3, thay vì hai năm như kế hoạch trước đây. Tương tự, dự án đường dây 500 kV mạch 3 chậm trễ nhiều năm, nhưng nhờ nỗ lực dự án này có thể hoàn thành vào tháng 6. "Hai ví dụ này cho thấy cần quyết tâm và cách làm đổi mới để thúc đẩy công việc", Thủ tướng nói.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng kinh tế trong nước vẫn chịu nhiều sức ép về lạm phát, sức mua giảm. Điều này thể hiện qua "sức khỏe" doanh nghiệp còn khó khăn trong quý I. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng xấp xỉ 23% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể cũng tăng 24,5% và 18,4%.

Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019. "Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân", ông Dũng nói, thêm rằng nhu cầu thị trường thấp, cạnh tranh cao là khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay - 2

Các lĩnh vực như hàng không gặp khó khi số máy bay thương mại giảm mạnh. Nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé, ảnh hưởng đến du lịch và nhu cầu đi lại.

Thị trường bất động sản vẫn gặp vướng, nhất là thủ tục phát triển nhà ở xã hội. Gói vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm.

Sự cố giao dịch của Chứng khoán VNDirect vào cuối tháng 3, theo cơ quan ngành kế hoạch, tác động không nhỏ tới tâm lý, quyền lợi nhà đầu tư. Việc này có thể ảnh hưởng đến việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán.

Từ sự cố này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng cơ quan quản lý cần tăng bảo mật thông tin, an ninh mạng và hoàn thiện các quy định bảo vệ nhà đầu tư.

Để đạt các mục tiêu kinh tế xã hội năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các các bộ ngành sớm hoàn thiện hướng dẫn thi hành các Luật: Đất đai, Các tổ chức tín dụng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở để trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn nửa năm, tức vào tháng 7.

"Các địa phương rà soát văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất", Bộ trưởng Dũng nói.

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận, nợ xấu tăng cao trong hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nội xấu nội bảng tới cuối tháng 1 là 4,79%, tăng hơn gấp đôi so với cuối 2022 (2,03%). Điều này làm tăng chi phí của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tới giảm lãi vay.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có bảo đảm cung ứng vốn, giám sát chặt nợ xấu và có biện pháp giảm mặt bằng lãi vay. Cơ quan này cũng cần đảm bảo thị trường ngoại tệ, vàng không xảy ra biến động bất lợi.

Bộ Tài chính được giao tìm giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất và đảm bảo an toàn hệ thống thông tin tài chính, chứng khoán trước nguy cơ các cuộc tấn công mạng gia tăng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay