Văn hóa

Hai vị tiến sĩ cùng tên đặc biệt nhất trong lịch sử khoa bảng

01/07/2024 10:29

Hai nhà khoa bảng cùng có tên là Bạt Tụy, tuy khác họ, khác quê, khác năm sinh nhưng cùng thể hiện là người tài năng, đức độ, trung hiếu.

Người hai lần đỗ tiến sĩ

Nguyễn Bạt Tụy sinh năm Ất Tỵ (1485), người xã Phá Lãng, huyện Thiện Tài (nay thuộc thôn Bùi, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Nguyễn Bạt Tụy vốn có tư chất thông minh từ thời niên thiếu, năm 24 tuổi đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 6) khoa thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục. Nhưng ý nguyện chưa được toại - phải đỗ ở hàng Tam khôi nên từ chối không nhận.

Đến khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), đời vua Lê Tương Dực, ông lại ứng thí, nhưng vẫn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 18). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, Thiếu bảo, Thiếu sư, tước Lương Quận công, được triều đình hai lần cử đi sứ nhà Minh. Sau ông về trí sĩ, tạ thế tại quê nhà ở tuổi 65 tuổi, được xếp vào hạng Đồng đức công thần.

Theo TS Lê Viết Nga – nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, nhiều lài liệu, sử sách từ xưa đến nay ghi chép - cả nước có 6 nhà khoa bảng hai lần thi đỗ tiến sĩ: Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Nguyên Chuẩn - hai thầy trò, đỗ năm 1442 và 1448; Nguyễn Nhân Bị đỗ năm và 1481. Riêng khoa thi năm 1508 và 1511 có tới 3 vị đỗ tiến sĩ hai lần là: Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Duy Tường và Trần Doãn Minh.

“Trong 6 vị nêu trên, có Nguyễn Nhân Bị theo tư liệu của tôi - chỉ đỗ tiến sĩ một lần: Bia đá họ Nguyễn làng Kim Đôi do Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn thảo và gia phả họ Nguyễn cho biết Nguyễn Nhân Bỉ và Nguyễn Nhân Bị là hai người khác nhau (là chú cháu ruột), không có ai thi đỗ tiến sĩ hai lần”, ông Nga cho hay.

Như vậy thì ở Kinh Bắc xưa, duy nhất chỉ có nhà khoa bảng Nguyễn Bạt Tụy là hai lần thi đỗ tiến sĩ. Khoa thi năm 1511, cả nước lấy 47 tiến sĩ, Kinh Bắc có 12 vị, riêng huyện Lương Tài có tới 4 vị: Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Hữu Quan, Đào Trung Hòa và Nguyễn Thu.

Ông Nga cũng cho biết, trong các tài liệu sử sách viết về Tiến sĩ Nguyễn Bạt Tụy, có sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” ghi chép khá chi tiết, và có chỗ khác với các tư liệu. Theo đó, Nguyễn Bạt Tụy làm quan đến chức Thượng thư, Thái bảo, Thiếu sư, Lương Quận công. Năm 74 tuổi về trí sĩ, và sau khi mất được dân làng thờ làm Thành hoàng.

“Các nhà khoa bảng thi đỗ tiến sĩ hai lần, phần nào chứng tỏ họ là những người có tài học xuất sắc, có bản lĩnh, dám coi nhẹ cả học vị Tiến sĩ do triều đình phê chuẩn, có ý chí phấn đấu cao hơn.

Họ xứng đáng là những tấm gương sáng tiêu biểu cho các thế hệ kế tiếp. Từ xưa cha ông ta đã xây dựng Văn miếu, Văn từ... và khắc dựng bia đá, biên soạn tiểu sử và sự nghiệp các nhà khoa bảng nhằm tìm hiểu sâu sắc hơn để tôn vinh và truyền lại cho thế hệ sau hiểu rõ”, TS Lê Viết Nga cho biết.

Bia 'Kim bảng lưu phương' và sử sách đăng khoa đều công nhận Nguyễn Bạt Tụy là nhà khoa bảng hai lần thi đỗ.

Bia 'Kim bảng lưu phương' và sử sách đăng khoa đều công nhận Nguyễn Bạt Tụy là nhà khoa bảng hai lần thi đỗ.

Từ thất học đỗ hàng Đệ nhất

Cùng tên là Bạt Tụy, cùng vào thời Lê – Mạc có Đinh Bạt Tụy sinh năm 1516, quê thôn Bùi Ngõa, xã Bùi Khổng, tổng Hải Đô (nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Theo gia phả, gia đình ông có truyền thống nho gia. Lúc nhỏ Đinh Bạt Tụy đã có một ý chí tiến thủ hơn người. Gia đình nghèo không có đủ tiền nuôi thầy học trong nhà, ông phải đi học nhờ, nhiều lúc phải đứng lén bên ngoài cửa phòng giảng sách của thầy để nghe lỏm.

Đinh Bạt Tụy mồ côi cha mẹ khi lên tuổi 13, sống không nơi nương tựa nên phải bỏ học đi ở làm thuê cho nhà giàu kiếm sống. Các thầy đồ trong làng mến tài học mới đưa về nuôi dạy. Nhưng con đường thi cử của Bạt Tụy trần trật mãi tới năm 1543, lúc 27 tuổi mới đỗ Hương cống, rồi được ra Thăng Long học trường Quốc Tử Giám.

Tháng Chạp năm Giáp Dần, Thuận Bình thứ 6 (1554), triều đình mở Chế khoa Mậu tài. Tại khoa thi này, Đinh Bạt Tụy đỗ Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh – xứng danh Trạng nguyên, tuy nhiên trong các tài liệu đăng khoa chính thống lại không thấy ghi danh hiệu này cho Đinh Bạt Tụy.

Đền thờ Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy tại Nghệ An.

Đền thờ Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy tại Nghệ An.

Năm Ất Mão (1555), Đinh Bạt Tụy được cử giữ chức Hàn lâm viện hiệu lý, mở đầu hoạn lộ vinh thăng. Năm 1559 xét sức học và khả năng đảm trách công vụ, theo đề nghị của Trịnh Kiểm, vua Lê chuẩn thăng ba cấp cho Đinh Bạt Tụy: Hiển vinh đại phu Hàn lâm viện thị chế trung giai.

Năm Nhâm Tuất 1562 được thăng Đông các hiệu thư. Nhờ có công làm mất hiệu lực của hai công thần (cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao), trụ cột của nhà Mạc, bằng cách thảo thư ly gián, năm Giáp Tý (1564) Đinh Bạt Tụy được thăng Lại khoa cấp sự trung.

Năm Tân Mùi 1571, Đinh Bạt Tụy tâu xin cầm quân đánh nhà Mạc. Được vua giao đốc chiến mặt trận Nghệ An, kéo quân về Hội Thống (cửa Hội) công tiễu địch: “Cửa Hội Thống đại binh tiền tuyến/Đồn núi Roi, truông Hến xông pha”.

Năm Nhâm Thân (1572) thắng trận, về Vạn Lại báo công, được vua thăng: Tuyên lực công thần đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Đông các đại học sĩ tả trị thượng khanh, sau lại thăng Hộ bộ Tả thị lang.

Năm Bính Tý (1576), quân Mạc tái chiếm Nam Đường, Nghệ An (Nam Đàn ngày nay). Đinh Bạt Tụy được lệnh cùng Lai Quận công đồn ngự trên núi Mũi Lòi, xã Hữu Biệt (Nam Giang, Nam Đàn), bị quân Mạc vây bức, quân Lê bày sơn trận. Lai Quận công đốc xuất binh sĩ, chỉnh tề binh mã, lâm trận quyết chiến.

Đinh Bạt Tụy thấy giặc đông, chưa rõ tình hình, bàn nên án binh bất động, lựa thế không nên kinh động. Thái phó không nghe, giáp trận giao chiến không phân thắng bại. Trong trận này, tướng Trịnh Mô (Nguyễn Cảnh Hoan) bị quân Mạc bắt, sau đó tướng Phan Công Tích cũng tử trận.

Trước tình hình đó, Đinh Bạt Tụy không hoang mang mà từng bước bày mưu nhử địch rồi đánh quân Mạc bật khỏi Nam Đường. Năm Quang Hưng thứ 8 (1588), triều đình thăng ông chức Binh bộ Thượng thư.

Đền thờ và mộ phần Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy tọa trên mảnh đất rộng tại thôn Bùi Ngõa xưa.

Đền thờ và mộ phần Tiến sĩ Đinh Bạt Tụy tọa trên mảnh đất rộng tại thôn Bùi Ngõa xưa.

Sống làm tôi trung, chết hóa thần

Năm Tân Tỵ (1581), Mạc Đôn Nhượng vượt đường biên lên đóng quân ở núi Đường Nang, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Phụng mệnh vua, Hoàng Đình Ái thống lĩnh các tướng, chia làm 3 đạo tiến công. Đinh Bạt Tụy phụng chỉ đốc binh, thị chiến đánh tan quân giặc, bắt được Chấn Quận công. Quan quân toàn thắng, về hành dinh báo tin mừng.

Năm Nhâm Ngọ (Mạc Mạt Để - Diên Thành thứ 5 – 1582) vùng Nam Đường lại có biến loạn, Đinh Bạt Tụy lại được lệnh cất quân tới Hiến Sơn. Hàng ngàn quân nhà Mạc ùn ùn kéo tới vây bức.

Đinh Bạt Tụy lập tức chỉ huy thân thuộc, đệ tử, dân binh, nửa phục nửa đánh, nhử quân địch đuổi, phục binh bốn bề nổi dậy, xuất kỳ bất ý khiến địch tán loạn. Quân nhà Lê chém được hai tướng quân Mạc. Hai chiến đệ được phong Quận công (Lan quận và Ngọc quận); Đinh Bạt Tụy phụng chỉ ở lại quân doanh, tham mưu hoạch định quân cơ.

Từ năm 1588, nhà Mạc suy yếu không đủ sức tấn công sâu vào vùng Thanh - Nghệ mà chỉ lo bảo vệ thành Thăng Long. Vua Lê Thế Tông cùng với chúa Trịnh Tùng mở cuộc hành binh lớn đánh trận quyết định ở Đông Kinh bắt được Mạc Mậu Hợp, lấy lại kinh thành. Trong cuộc hành quân đó, Đinh Bạt Tụy được giao hộ giá, nhưng sau đó đã lâm trọng bệnh và qua đời vào tháng 4/1589 ở tuổi 74.

Từ một nho sinh nghèo mồ côi cha mẹ, nhờ thông minh và sự hiếu học, khổ học, rèn luyện thành tài nên Đinh Bạt Tụy đã có công lớn, trở thành khai quốc công thần thời Lê trung hưng, được bảo phong Thượng đẳng phúc thần Đại vương.

250 năm sau, Bùi Huy Bích - Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, Cảnh Hưng 30 (1769), người được mệnh danh là văn chương, đức nghiệp vào hàng tôn soái đương thời, đã viết lời tựa “Đinh gia thế phả”: “Người ta biết công đức cụ Thượng, càng phải biết công đức có từ lớp cha, ông để lại; càng khâm phục công đức ấy về sau càng soi rọi tấm gương cho đời đời con, cháu nối tiếp noi theo giữ gìn đức nghiệp. Họ đã không làm hổ thẹn với tiền nhân. Đấy chính là: “Nhất điểm chân cơ”, điểm chốt để con người ta đạt tới “Nguyên dương”, điều tốt đẹp nhất”.

Hai nhà khoa bảng Nguyễn Bạt Tụy và Đinh Bạt Tụy làm quan ở hai triều đại đối nghịch, nhưng luôn thể hiện tài năng và lòng tôi trung. Ảnh minh họa: IT.

Hai nhà khoa bảng Nguyễn Bạt Tụy và Đinh Bạt Tụy làm quan ở hai triều đại đối nghịch, nhưng luôn thể hiện tài năng và lòng tôi trung. Ảnh minh họa: IT.

Ngoài việc chính sự nơi triều chính, Đinh Bạt Tụy còn quan tâm chăm lo đời sống người dân địa phương làng Bùi Ngõa. Vùng đất này vốn là vùng chiêm trũng chưa mưa đã ngập chưa nắng đã hạn.

Người dân chịu bất lực trước thiên tai hạn hán mất mùa, sống trong cảnh đói nghèo. Đinh Bạt Tụy đã nghĩ việc đắp đập vừa chống úng vừa chống hạn. Ông đã vận động người dân Bùi Ngõa đắp đập Cừ và đập Tùng Xang ngăn nước mặn cho dân cày cấy. Hai con đập đó vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Nối chí cha theo nghiệp binh gia, hậu duệ của Đinh Bạt Tụy đã kế tục sự nghiệp. Con trai trưởng là Đinh Bạt Tuấn đỗ Cử nhân, làm đến chức Hiến sát sứ Hải Dương.

Con trai thứ là Đinh Bạt Sĩ cũng cầm quân đánh dẹp giặc nổi loạn lập nhiều công to, được vua thăng thưởng Quang Tiến Thận lộc đại phu, Đại lý Tự thiếu khanh văn vinh tử tá trị khanh trung giai.

Khi đương nhiệm, tài năng của Đinh Bạt Tụy được cả vua Lê và chúa Trịnh coi trọng, nên sau khi mất được triều đình nhà Lê chuẩn cấp tiền bạc cho xây dựng đền thờ, cấp ruộng hương hỏa tại bản quán thôn Bùi Ngõa.

Đền thờ tọa lạc trên khuôn viên rộng hàng nghìn m2, hàng năm vào những ngày lễ trọng, rất đông khách tham quan và cả những người yêu mến lịch sử tìm về dâng hương tưởng nhớ.

Hai nhà khoa bảng Nguyễn Bạt Tụy (Bắc Ninh) và Đinh Bạt Tụy (Nghệ An) mỗi người thờ mỗi chủ khác nhau. Tuy ở thế đối kháng Lê – Mạc, song mỗi người đều thể hiện tài năng, đức độ xứng bậc chân nho. Họ để lại cho hậu thế không chỉ tấm gương sáng về sự học, mà còn các đạo lý làm người trung hiếu, đạo làm tôi trung thành với vua, đạo làm quan thương dân hết mực. Hai nhà khoa bảng cùng tên cũng được triều đình Lê – Mạc phong làm phúc thần, và cùng để lại cho đời những tác phẩm văn học và binh gia, giúp người sau có những nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai vị tiến sĩ cùng tên đặc biệt nhất trong lịch sử khoa bảng