Những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng có thể dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm không ngờ.
Một cặp vợ chồng trung niên sống tại Hàng Châu (Trung Quốc) là chú Trương và dì Tôn đã cùng nhau khám nội soi đường tiêu hoá dù không có hiện tượng bất thường trong cơ thể. Kết quả cho thấy cả hai đều mắc ung thư đại trực tràng. May mắn, do phát hiện sớm nên hai người đã kịp thời phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên sau đó, các bác sĩ cho biết vẫn cần thường xuyên theo dõi để tránh có những chuyển biến xấu.
Các bác sĩ cho biết, về mặt lâm sàng, rất hiếm khi các cặp vợ chồng cùng lúc mắc chung một loại ung thư. Các bác sĩ tin rằng, ung thư đại trực tràng ở hai vợ chồng có liên quan chặt chẽ đến thói quen ăn uống của họ.
Ảnh minh hoạ
Qua thăm khám, được biết cặp vợ chồng có thói quen ăn uống khá tiết kiệm. Đặc biệt với đồ ăn thừa, họ vẫn thường ăn một món trong 3 ngày. Đôi khi, họ cũng sẽ xào lại những món ăn thừa cùng đồ ăn mới...
Các bác sĩ cũng cho hay, những năm gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp cặp vợ chồng cùng mắc bệnh ung thư, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Việc cùng xuất hiện các khối u ung thư ở vợ và chồng - hai người không hề có quan hệ huyết thống - thường là kết quả của quá trình tích lũy nhiều năm dưới sự tác động của các yếu tố môi trường, thói quen sinh hoạt chung...
Ung thư đại trực tràng vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Ngoài ra, chúng ta có thể phòng ngừa ung thư đại trực tràng bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống.
1. Cải thiện thói quen sinh hoạt
Nhiều thói quen sinh hoạt xấu là "thủ phạm" khiến tỷ lệ mắc ung thư trực tràng cao. Ví dụ những thói xấu như uống rượu quá nhiều, thức khuya, ít vận động… sẽ làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Người trẻ, đặc biệt là dân văn phòng cần hình thành thói quen đại tiện tốt và tập thể dục đều đặn khoảng 3 ngày mỗi tuần, mỗi lần hơn 30 phút cũng như tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn để giảm bớt căng thẳng.
Cùng với đó, cũng nên dành thời gian đứng dậy di chuyển sau một thời gian ngồi dài, tắm nắng vào thời điểm thích hợp nhằm bổ sung vitamin D, hạn chế những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
2. Hạn chế sử dụng thực phẩm siêu chế biến, đồ nướng, chiên rán
Các loại thịt siêu chế biến có thể làm tăng khả năng gây ung thư. Bởi trong các thực phẩm này chứa một lượng lớn chất phụ gia cũng như đã được chế biến qua ở nhiệt độ cao tạo ra những chất gây tổn thương tế bào trực tràng. Không chỉ vậy, các loại thịt siêu chế biến còn chứa nhiều axit béo bão hòa, khiến gan tiết ra nhiều dịch mật. Sau khi được vi khuẩn trong ruột già chuyển hóa thành một dạng axit thứ cấp gây tổn thương niêm mạc ruột.
Tương tự, các loại thịt nướng hoặc chiên rán tuy hương vị rất thơm ngon cũng có lại có nguy cơ gây ung thư đại trực tràng cao. Do thịt sau khi bị chiên rán, nướng trong thời gian dài có thể sản sinh lượng lớn hợp chất amin đa vòng (HCA) gây oxy hóa lipid, protein, axit nucleic tổn thương tế bào.
Ngoài ra, cần cố gắng ăn ít rau muối cũng như đồ ăn để qua đêm bởi chúng chứa hàm lượng nitrit cao hơn các loại thực phẩm thông thường. Nếu nạp vào quá nhiều sẽ khiến chúng kết hợp với các amin, biến thành nitrosamine. Đây là chất gây ung thư loại I và tăng nguy cơ gây ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đường ruột...
3. Duy trì cân nặng phù hợp, tránh ăn quá nhiều
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng. Do đó, tập thể dục đều đặn với các hoạt động như đi bộ, chạy, bơi lội... có thể giúp kiểm soát cân nặng, phòng ngừa ung thư.
Việc ăn quá nhiều sẽ khiến dạ dày khó để tiêu hóa hết và dẫn đến việc thức ăn tồn đọng lại trong ruột quá lâu, độc tố không được loại bỏ mà tích tụ lâu dài dễ dẫn đến viêm nhiễm. Cùng với đó, khi ăn quá nhiều sẽ khiến máu lưu thông khắp cơ thể kém do tập trung nhiều ở vùng bụng để phục vụ quá trình tiêu hóa. Từ đó gây ra hiện tượng rối loạn chức năng đường ruột, quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể cũng do đó mà trì trệ, dễ gây viêm nhiễm.
Đặc biệt vào buổi tối, nếu tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm trước thời điểm đi ngủ có thể gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà nếu kéo dài sẽ khiến chất độc tích tụ lượng lớn trong trực tràng, tăng nguy cơ gây ung thư.
4. Khám sức khỏe định kỳ
Tầm soát ung thư trực tràng thường xuyên là chìa khóa để phát hiện và điều trị sớm bệnh. Những người trên 45 tuổi nên được tầm soát ung thư đại trực tràng thường xuyên. Các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền, nên đến bệnh viện thông thường để điều trị càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, với những bệnh nhân mắc các bệnh về trực tràng, hậu môn như trĩ, nứt hậu môn thì nên điều trị kịp thời để tránh tình trạng kích ứng lâu dài dẫn đến ung thư.
Nguồn: Sohu