Theo ông Bình, nếu trong khu vực nội đô trong 5 năm hay 10 năm tới vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học… thành phố có thu phí 50.000 đồng hoặc trên 100 nghìn đồng/lượt xe ô tô, vì tính chất công việc, nhu cầu cấp thiết người dân vẫn sẵn sàng trả phí để đi xe cá nhân vào nội đô.
Kỳ vọng đường sắt đô thị
Theo dự thảo Quy hoạch chung Thủ đô đang được UBND thành phố đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các quận huyện, thị xã và tổ chức xã hội thì khu vực nội thành Hà Nội không còn được xác định từ đường Vành đai 3 như hiện nay.
Cùng với đó không gian đô thị đã vươn ra ngoài khu vực Vành đai 3 sau khi dự án đường Vành đai 4 hoàn thành và các huyện Đông Anh, Sóc Sơn lên quận. Cấu trúc đô thị Hà Nội sẽ thay đổi toàn diện, trong đó có cả cấu trúc dân cư, kéo theo đó là định hướng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân cũng sẽ thay đổi.
Với cuộc sống và việc đi lại của người dân khi thực hiện đề án hạn chế xe cá nhân, Thành ủy Hà Nội vừa có chỉ đạo, trong đó lưu ý cơ quan thực hiện, trong mọi trường hợp nội dung nào của đề án được đưa ra phải đánh giá được các tác động ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, tránh làm ảnh hưởng đến lưu thông, đi lại.
Để giải quyết được 40 đến 50% nhu cầu đi lại của người dân, ngoài xe buýt, đường sắt đô thị trong 5 đến 10 năm tới sẽ được xác định là "cứu cánh".
Theo quy hoạch của Thủ tướng trong giai đoạn 2016 - 2030 Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó giai đoạn 2016- 2020 phải xong 6 tuyến, nhưng đến nay Hà Nội mới có 1 tuyến. Vận tải công cộng vẫn trông chờ vào xe buýt, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân theo mục tiêu đề ra.
Từ thực tế trên, đầu năm nay Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49, trong đó với Hà Nội nêu rõ, từ nay đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch (10 tuyến).
Khi Hà Nội có thêm mạng lưới đường sắt theo quy hoạch đưa vào hoạt động thì việc đáp ứng 50% nhu cầu của người dân là hoàn toàn khả thi.
Đến lúc này việc dừng xe máy tại các quận nội thành là phù hợp nhất. Theo đó, Sở GTVT đang nghiên cứu phương án lùi việc phân vùng dừng hoạt động xe máy đến thời điểm 2035.
Trao đổi với PV Tiền Phong về kết quả thực hiện “Đề án quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Đề án quản lý xe cá nhân), trong đó có 2 đề án thành phần trọng tâm là thu phí ô tô vào nội đô và dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án có 37 nhóm giải pháp, trong đó Sở GTVT với vai trò là cơ quan thường trực đã triển khai được 31 nhóm giải pháp (đạt 83%).