Giáo dục

Hàn Quốc: Miễn phí chương trình ngoại khóa để... khuyến khích sinh con

08/09/2024 09:22

Năm học 2024 - 2025, Hàn Quốc chứng kiến số lượng học sinh lớp 1 thấp nhất từ trước đến nay - khoảng 369.400 em.

Vậy nên, Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng chương trình “Trường Neulbom” sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề tỷ lệ sinh thấp tại quốc gia này.

Thông thường, giờ học chính khóa của học sinh tiểu học Hàn Quốc bắt đầu lúc 9 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 13 giờ. Điều này gây bất tiện cho một số phụ huynh làm việc vào giờ hành chính và có thể khiến nhiều gia đình ngại sinh con, hoặc sinh thêm.

Do đó, chiến dịch Trường Neulbom (tiếng Hàn nghĩa là luôn quan tâm) được Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa ra, kết hợp chăm sóc toàn diện và dạy kỹ năng mềm cho trẻ em, hoạt động từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng và từ 13 - 20 giờ.

Trên thực tế, các trường tiểu học công lập tại Hàn Quốc đã tổ chức chương trình chăm sóc trẻ em sau giờ học cho một số học sinh lớp 1 gọi là “lớp học Dolbom” (tiếng Hàn nghĩa là chăm sóc). Tại những lớp học này, học sinh sẽ làm bài tập về nhà và tham gia nhiều hoạt động khác như đọc sách, trải nghiệm thực tế...

Tuy nhiên, với các lớp học rèn luyện kỹ năng sau đó như khiêu vũ, đàn violin, cầu lông,... phụ huynh vẫn phải trả phí, cũng như trả tiền cho bữa ăn nhẹ và bữa tối cho con em mình. Nhược điểm lớn nhất của lớp học Dolbom là sĩ số một lớp có giới hạn. Trẻ em có bố và mẹ đều đi làm sẽ được ưu tiên và nếu có nhiều đơn đăng ký hơn số chỗ trống thì sẽ được quyết định bằng cách rút thăm.

Trường Neulbom là sự kết hợp giữa lớp Dolbom và các lớp học sau giờ học. Điểm khác biệt giữa trường Neulbom, lớp Dolbom và các lớp học khác là trường Neulbom không có giới hạn số lượng học sinh. Trường chấp nhận tất cả học sinh có nhu cầu đăng ký và cung cấp bữa tối miễn phí cho các em.

“Neulbom là dịch vụ hoàn toàn miễn phí, giúp nhiều bố mẹ có thể làm việc mà không bị vướng lịch trình các lớp học ngoại khóa của con mình như taekwondo, piano, mỹ thuật,... hoặc tốn tiền thuê người đón và chăm sóc chúng”, ông Lee Joo-ho - Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc nói.

Hơn nữa, chương trình Neulbom là sự hợp tác giữa các nguồn lực giáo dục khác nhau từ trường học, cộng đồng và các trường đại học trong khu vực để hỗ trợ sự phát triển của học sinh thay vì chỉ thu hẹp ở một trường học như lớp Dolbom và một số lớp học ngoại khóa khác.

Các chương trình đặc biệt cũng được điều hành với sự hợp tác của các cộng đồng địa phương. Một số văn phòng giáo dục địa phương điều hành chương trình Neulbom thí điểm vào năm ngoái đã cung cấp các lớp học bao gồm chơi gôn, múa ba lê, bơi lội….

Một số địa phương có kế hoạch cung cấp các môn thể thao dưới nước, đấu kiếm và thậm chí là cưỡi ngựa. Ví dụ, tại tỉnh Gangwon, các chương trình ngoại khóa chuyên biệt sẽ được triển khai kết hợp với ngành công nghiệp lướt sóng địa phương.

Hỗ trợ cá nhân cho học sinh khuyết tật cũng được triển khai. Nhiều chương trình khác nhau như nghệ thuật, hoạt động thể chất, trò chơi cảm giác, nấu ăn và giáo dục trải nghiệm dựa trên VR sẽ được cung cấp cho học sinh khuyết tật để các em có thể tham gia theo cách vui vẻ và thú vị. Ngoài ra, sau khi xem xét loại khuyết tật và đặc điểm phát triển, nhân viên hỗ trợ sẽ được cử riêng khi cần thiết.

Chính phủ đã phân bổ ngân sách 1,17 nghìn tỷ won (879 triệu USD) cho năm nay, gấp đôi số tiền dành cho năm ngoái, để cho phép bất kỳ học sinh lớp 1 nào cũng có thể đăng ký tham gia chương trình Neulbom.

“Trường Neulbom” đã được triển khai thí điểm tại hơn 2.000 trường tiểu học từ học kỳ I năm 2024, chương trình sẽ tiếp tục triển khai tại tất cả 6.185 trường tiểu học còn lại và 178 trường đặc biệt có các khóa học tiểu học vào học kỳ II của năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Oh Seok-hwan cho biết, để tạo ra môi trường lớp học an toàn và thân thiện với học sinh và giáo viên, 6.485 phòng học đã được nâng cấp và 4.453 phòng giáo viên đã được xây dựng.

Bên cạnh đó, các trường đều đã đảm bảo các khóa học và không gian cần thiết để tiếp nhận khoảng 280 nghìn trong số 369 nghìn học sinh lớp 1 trên toàn Hàn Quốc (chiếm 75%) trong năm học này.

“Hơn 9.000 nhân viên được triển khai đến các trường để chuẩn bị cho Neulbom. Với số lượng nhân viên lớn, tôi hy vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho giáo viên để họ vẫn có thể tập trung vào các lớp học chính khóa”, ông Seok-hwan giải thích và cho biết, thành phố Daegu sử dụng sinh viên vừa học vừa làm để hỗ trợ quản lý an toàn cho học sinh tiểu học, trong khi các thành phố khác như Busan và Daejeon sẽ thuê nhân viên chính phủ đã nghỉ hưu làm tình nguyện viên.

Sự hỗ trợ giữa 27 bộ và cơ quan (bao gồm Bộ Khoa học và CNTT và Cục Quản lý Nông thôn) đã cung cấp tổng cộng 562 chương trình học ngoại khóa trong khi 8 bộ và cơ quan (bao gồm Bộ Kinh tế và Tài chính, và Bộ Hành chính Công và An ninh) đã cung cấp tổng cộng 6.414 không gian cho các hoạt động giáo dục.

Theo cơ quan Thống kê Hàn Quốc, công bố số liệu vào ngày 28/2 cho thấy tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc giảm từ mức 0,78 năm 2022 xuống mức thấp kỷ lục 0,72 năm 2023.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc suy giảm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo 2,1 để đảm bảo dân số ổn định. Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh thấp hơn 1, dù chính phủ đã chi hàng tỷ USD trong nỗ lực đảo ngược xu hướng này.

Theo asianews.network, hxkorea.com, koreaherald.com

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc: Miễn phí chương trình ngoại khóa để... khuyến khích sinh con