Hàng không liên tiếp 'thuê ướt' máy bay có làm giá vé Tết tăng cao?

02/02/2024, 13:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian qua, các hãng hàng không liên tục "thuê ướt" máy bay nước ngoài, nhiều người thắc mắc điều này có phải là nguyên nhân đẩy giá vé máy bay Tết "dựng đứng"?

Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, để phục vụ nhu cầu của hành khách giai đoạn cao điểm Tết, hãng đã "thuê ướt" 2 máy bay và một số tiếp viên, phi công, tùy thuộc vào từng tàu bay và đàm phán giữa các bên.

Vietnam Airlines cũng tăng cường thêm 4 máy bay Airbus A320 thuê ướt (bao gồm máy bay và phi hành đoàn), qua đó giúp hãng bổ sung thêm gần 1.000 chuyến bay dịp này.

Chiếc máy bay bổ sung đầu tiên đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 25/1 và được đưa vào khai thác ngay ngày hôm sau. Các máy bay còn lại Vietnam Airlines sẽ nhận trong đầu tháng 2/2024.

Trong khi đó, Vietjet cũng thuê máy bay của FreeBrid Airlines để tăng chuyến vào dịp Tết.

Tuy nhiên, đại diện các hãng hàng không đều cho biết, việc thuê ướt máy bay không làm giá vé máy bay Tết đắt lên vì mọi chi phí đã được tính toán kỹ từ trước.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống nhận định, việc thuê máy bay và phi hành đoàn nước ngoài chắc chắn đã nằm trong kế hoạch từ trước. Tuy các chi phí sẽ tác động đến giá vé nhưng cũng đã được các hãng tính toán, cân đối trước khi thực hiện.

Các hãng hàng không liên tục

Các hãng hàng không liên tục "thuê ướt" máy bay nước ngoài để tăng chuyến dịp Tết. Ảnh minh họa.

Giá vé máy bay Tết tăng do đâu?

Phủ nhận việc "thuê ướt" máy bay là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng, đại diện Bamboo Airways cho biết, một trong những lý do của tình trạng này là các hãng đang phải bù đắp chi phí hai chiều theo quy luật điều tiết của thị trường. Nếu giá vé Tết mà không tăng để bù đắp một chiều rỗng khách thì các hãng sẽ thua lỗ, vì tất cả các chuyến bay đều phải gánh các chi phí như nhau gồm bến đỗ, nhiên liệu, phi hành đoàn, ống lồng...

Vào dịp Tết, thường hàng không chỉ đông khách ở một số chặng bay trong chiều ra, còn lại vắng khách ở chiều vào.

"Dù giá tăng nhưng vẫn nằm trong quy định về giá trần, giá sàn”, đại diện Bamboo cho biết.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cũng xác nhận, vào dịp cao điểm Tết, tất cả chuyến bay của các hãng hàng không đều phải chấp nhận một đầu đông khách, còn một đầu trống hoặc rất ít khách.

Năm nào cũng vậy, trước Tết, các chuyến từ phía Nam ra miền Trung, miền Bắc sẽ kín khách, còn chiều ngược lại hầu hết là ghế trống. Sau Tết, chiều từ miền Bắc, miền Trung vào phía Nam cũng kín khách, còn chiều ngược lại sẽ vắng khách. Mà máy bay dù ít khách, thậm chí không có khách vẫn phải chấp nhận bay theo slot đăng ký.

Về nguyên tắc, khi tính vào giá vé, các hãng phải tính cả chi phí đầu ra, đầu vào để bù chi phí. Nếu chỉ tính một chiều thì các hãng không thể lấy đâu chi phí để bù đắp được”, ông Thắng nói.

Số liệu của Cục Hàng không cho thấy, nếu các chuyến bay thông thường hay chuyến bay hè đều kín khách 2 chiều thì các chuyến bay Tết hầu hết là bay lệch đầu, một chiều kín khách, một chiều rỗng hoặc tỷ lệ khách đi rất thấp, chỉ đạt 20 25% số ghế.

Ví dụ thời điểm trước Tết, tỷ lệ chuyến bay các chiều từ Hà Nội và các sân bay phía Bắc đến TP.HCM khá vắng. Chuyến bay Thanh Hóa - TP.HCM ngày 2/2 tỷ lệ ghế có khách chiếm 7,91%, Vinh - TP.HCM: 11,98%; ngày 3/2 chặng Vinh - TP.HCM: 17,02%, Bình Định - TP.HCM: 16,62%...

Trong khi đó chặng TP.HCM ra các sân bay phía Bắc sau Tết cũng khá èo uột. Cụ thể, ngày 4/2 chặng bay TP.HCM - Pleiku, tỷ lệ khách đặt vé chiếm 16,61%, TP.HCM - Tuy Hòa: 16,87%; ngày 8/2 chặng bay TP.HCM- Buôn Ma Thuột: 11,19%...

Hàng không cắt giảm đường bay, giá vé có tăng?

Thời gian qua, nhiều hãng bay đã cắt giảm các đường bay với nhiều lý do khác nhau.

Ví dụ, để tái cấu trúc, Bamboo Airways, cắt giảm tần suất chuyến bay chặng Hà Nội - Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Cam Ranh; TP.HCM - Huế, Chu Lai, Vinh...

Hay mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Cục Hàng không chỉ đạo các doanh nghiệp, các hãng hàng không Việt Nam khôi phục khai thác các đường bay đang tạm dừng đến cảng hàng không Thọ Xuân, gồm các chặng từ Thanh Hóa đi Cần Thơ, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Phú Quốc và ngược lại.

Tương tự, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công văn đề nghị các hãng hàng không tăng cường năng lực khai thác đường bay Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP.HCM. Phía tỉnh Quảng Bình thông tin thời gian qua, đường bay Hà Nội - Đồng Hới và ngược lại với tần suất 1-2 chuyến/ngày, đường bay TP.HCM - Đồng Hới và ngược lại với tần suất trung bình 3-4 chuyến/ngày chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không), việc một số hãng cắt giảm đường bay ngắn không tác động đến giá vé, bởi khi hãng này cắt giảm thì các hãng khác đã bổ sung trám vào.

Chẳng hạn chặng bay TP.HCM - Vinh trước đây chỉ có hơn 30 chuyến của 4 hãng nhưng khi Bamboo Airways, Vietravel Airlines cắt giảm thì Vietnam Airlines, Vietjet Air đã bổ sung và nâng lên đến 40 chuyến/ngày. Vào thời điểm phục vụ cao điểm Tết, chặng bay này tăng 70% so với ngày thường.

"Giá vé Tết cao là do quy luật cung cầu của thị trường và các hãng phải bù vào đầu trống khách", ông Đăng nói.

Chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cũng phân tích: “Việc tăng giá vé là vấn đề chung của thời điểm Tết hàng năm chứ không riêng năm nào và được thực hiện theo quy định về giá trần, giá sàn kể từ năm 2015 đến nay. Để tính giá thành một chuyến bay, các hãng phải tính chi phí cho cả đầu ra và đầu vào".

PHẠM DUY

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng không liên tiếp 'thuê ướt' máy bay có làm giá vé Tết tăng cao?