Đại diện Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, tỉnh tập trung điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang theo hướng ưu tiên xây dựng kho bãi, hình thành bến tập trung xuất nhập hàng hóa và dịch vụ liên quan đi kèm, đảm bảo các điều kiện phát triển mới.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, đưa khu kinh tế cửa khẩu này trở thành trung tâm thương mại mang tầm quốc tế, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế và xuất nhập khẩu mà nơi này trong tương lai sẽ là điểm du lịch xuyên Á hấp dẫn du khách các nước trên EWEC.
Trong Chương trình thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Bộ Giao thông Vận tải đã đề ra mục tiêu đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Trong số đó từ nay đến năm 2030 kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y (Cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Kon Tum); nâng cấp các tuyến Quốc lộ trọng yếu kết nối Đông - Tây, đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn; nghiên cứu kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – cảng biển Mỹ Thủy.
Sớm thực thi chính sách vượt trội xuyên biên giới
Đánh giá về chính sách của các nước trên EWEC, ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Đà Nẵng cho rằng, thủ tục để xe chở hàng lưu thông trên tuyến EWEC còn nhiều trở ngại. Tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavan, trước đây đã áp dụng “một cửa” nhưng hiện Hải quan Lào và Việt Nam lại làm riêng biệt. Ngoài ra, một số tỉnh của Lào hiện cấm xe Việt Nam chở container rỗng vào Lào để nhận hàng.
Còn tại Myanmar, thủ tục xuất nhập khẩu còn rất phức tạp và chậm dẫn đến hàng lưu thông bằng đường bộ không hiệu quả. Hàng từ Đà Nẵng vận chuyển đi Yangon (Myanmar) chỉ mất 5 ngày nhưng thời gian chờ thủ tục Hải quan nhập khẩu tại cửa khẩu Maesot (Myanmar) lại mất hơn 10 ngày.
Theo ông Dương Tiến Lâm, Việt Nam cần đàm phán với Lào dỡ bỏ các hạn chế kỹ thuật để tạo điều kiện thông thoáng cho xe và hàng hóa lưu thông. Hải quan hai nước cần phối hợp để làm thủ tục “một cửa”, dừng một lần cho hàng quá cảnh. Các tỉnh, thành của Việt Nam trên các tuyến EWEC gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cần có thêm các chính sách cụ thể để tăng lượng hàng lưu thông như: Chính sách thu hút nhà đầu tư sản xuất và xuất khẩu, chính sách thu hút công ty, tập đoàn lớn lập trung tâm logistics để phân phối hàng hóa trên hành lang này.
Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào hiện nay, chỉ duy nhất ở khu vực cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan đã thành lập hai khu kinh tế: Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị - Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavan (Savannakhet - Lào) đối xứng nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đề xuất Chính phủ hai nước, cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, dự kiến thực thi từ tháng 7/2024.
Theo dự thảo đề án, Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo -Densavan có quy mô gồm: Về phía Việt Nam là Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích trên 15.850ha gồm hai thị trấn Lao Bảo và Khe Sanh và các xã: Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập và Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; phía Lào là Khu thương mại biên giới Densavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu) gồm 13 bản có chiều dài 19km.
Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung này, dự kiến vận hành theo mô hình hai nước hai khu đối xứng nhau qua đường biên giới có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm). Mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ mình, tiến hành xây dựng hàng rào cứng cách ly tại các khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn.
Đặc biệt, thay vì dựa vào các chính sách miễn giảm thuế và hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước như trước đây, lực hấp dẫn của Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan chủ yếu dựa vào các cơ chế “phi thuế quan”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến, dịch vụ logistics. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chủ yếu từ doanh nghiệp, dự kiến khoảng 70 - 80% theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh xác định việc xây dựng thí điểm Đề án Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để sớm trình cấp có thẩm quyền của Việt Nam xem xét quyết định và phối hợp với cơ quan chức năng của Lào để thực thi.