Du học là cánh cửa giúp người trẻ tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và những cơ hội mới trong tương lai.
Tuy nhiên, đối với nhiều phụ huynh, hành trình này không chỉ mang đến hy vọng mà còn cả nỗi lo lắng, đặc biệt khi gia đình chưa có kinh nghiệm hoặc không có người thân ở nước ngoài hỗ trợ.
Nhiều gia đình định hướng cho con du học với kỳ vọng sẽ học hỏi thêm kiến thức, trải nghiệm môi trường sống mới. Nhưng bên cạnh niềm tự hào là vô vàn băn khoăn trong việc chuẩn bị hành trang cho con.
Chị Nguyễn Thị Yến Linh (Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ câu chuyện về hai người con của mình. Con trai lớn đang du học ở Úc và chị tiếp tục định hướng cho con gái sang học tập cùng anh trai. Dù là lần thứ hai chuẩn bị cho con du học, chị vẫn không khỏi bỡ ngỡ. “Học lực của con gái chỉ ở mức khá. Thêm nữa, cháu còn nhỏ tuổi nên tôi lo lắng liệu có thể thích nghi với cuộc sống tự lập hay không dù có anh trai ở bên cạnh. Khác với anh trai học hết THCS mới đi du học, cháu quyết định đi từ sớm, khiến gia đình phải chuẩn bị gấp hơn,” chị Linh bộc bạch.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tuấn Tài (Bình Thạnh, TPHCM) lại trải qua những đêm mất ngủ khi phải quyết định có nên để con trai du học hay không. Anh cho biết: “Con đang học lớp 9 và là con một, sức khỏe không quá tốt, được gia đình bao bọc nhiều. Tôi lo cháu sẽ gặp khó khăn khi sống xa nhà. Nhưng trước sự quyết tâm của con và vợ, tôi đồng ý dù trong lòng chưa an tâm”.
Thực tế, du học không chỉ là cơ hội mà còn là thử thách. Theo ThS Nguyễn Võ Minh Khoa - CEO của Clevermann (Công ty Tư vấn giáo dục) cho biết, các nước công nghiệp phát triển thường yêu cầu sinh viên có sự tự lập cao, khả năng thích nghi và tinh thần học hỏi không ngừng.
“Với hệ thống giáo dục hiện đại, những quốc gia này đòi hỏi sinh viên phải chủ động trong học tập, làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả. Đây là những yếu tố cần thiết để thành công trong môi trường quốc tế,” ThS Khoa cho biết.
Do vậy, một trong những bước quan trọng nhất là chuẩn bị ngoại ngữ. Các chứng chỉ như IELTS (từ 5.5 đến 6.5), TOEFL hoặc các chứng chỉ ngôn ngữ khác như N5-N3 (tiếng Nhật) là điều kiện cần để nhập học. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu về văn hóa, luật pháp và phong tục của quốc gia mình đến để dễ dàng hòa nhập và tuân thủ quy định.
ThS Nguyễn Hoàng Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn (TPHCM), cho rằng, để hành trình du học đạt kết quả tốt, người học cần chuẩn bị kỹ càng trong suốt thời gian học và cả giai đoạn sau khi hoàn thành chương trình. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận trong việc lựa chọn quốc gia phù hợp, đồng thời bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết để thích nghi với môi trường sống và học tập mới.
Một trong những bước đầu tiên quan trọng là tìm hiểu kỹ về đất nước du học, bao gồm văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống giáo dục, thông tin trường học và chương trình đào tạo. Khi đến một quốc gia mới, sinh viên phải đối mặt với sự khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ, lối sống và cách tổ chức giáo dục. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp giảm cú sốc văn hóa và tạo tiền đề cho quá trình học tập thuận lợi hơn.
Học tập trong một môi trường quốc tế đòi hỏi khả năng làm việc nhóm và hòa nhập với bạn bè đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đây không chỉ là yếu tố để đạt kết quả học tập tốt mà còn là cơ hội để xây dựng các mối quan hệ hữu ích cho tương lai.
ThS Tiến khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động của trường, dự án nhóm và sự kiện xã hội. Chủ động kết bạn, sống hòa đồng và tăng cường giao tiếp sẽ giúp các em cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội và tạo nền tảng cho thành công trong học tập và sự nghiệp sau này.
Một trong những thách thức lớn đối với du học sinh là khối lượng công việc dày đặc bao gồm học tập, sinh hoạt hằng ngày, tham gia hoạt động ngoại khóa và khám phá văn hóa mới. Kỹ năng quản lý thời gian vì thế trở thành nền tảng quan trọng cho thành công.
ThS Nguyễn Hoàng Tiến khuyên: “Để quản lý thời gian hiệu quả, người học cần lập kế hoạch chi tiết cho từng công việc cụ thể, xác định các mục tiêu ưu tiên và thực hiện theo lịch trình. Cân đối giữa học tập, công việc và giải trí không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn duy trì hiệu suất học tập ổn định”.
Một khía cạnh không thể bỏ qua là kỹ năng quản lý tài chính. Du học sinh phải tự lo liệu mọi chi phí sinh hoạt tại quốc gia xa lạ, từ tiền học phí đến chi tiêu hằng ngày. Thói quen chi tiêu hợp lý sẽ giúp các em tránh được tình trạng khủng hoảng tài chính. “Không nên lãng phí tiền vào những khoản chi không cần thiết. Hãy đặt ra kế hoạch rõ ràng và tuân thủ. Quản lý tốt tài chính không chỉ giúp bạn tiết kiệm mà còn mang lại an tâm để tập trung cho học tập và phát triển bản thân,” ThS Tiến nhấn mạnh.
Cuộc sống xa nhà đồng nghĩa du học sinh phải tự vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Chuẩn bị tâm lý vững vàng và khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ sẽ giúp các em nhanh chóng thích nghi và duy trì trạng thái cân bằng.
Chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM nhấn mạnh: “Du học nghề có thể xem là giải pháp cần thiết. Cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội cần tăng cường định hướng nghề nghiệp, thông tin chung cho học sinh, sinh viên hiểu được những vấn đề cơ bản khi chọn du học nghề.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ tổ chức thực hiện các chương trình du học nghề để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật, thiệt hại cho nguồn nhân lực trẻ và cho những gia đình thiếu thông tin về du học nghề”.