Dẫu đã rời bục giảng gần nửa thế kỷ, nhưng những nhà giáo của quê hương Hà Tĩnh đã ngã xuống vì Tổ quốc vẫn luôn được nhớ đến.
Họ trở lại qua hành trình tri ân xúc động của ngành Giáo dục và Hội Cựu giáo chức Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh, mảnh đất hiếu học giàu truyền thống cách mạng cũng là nơi có nhiều nhà giáo đã lên đường, vào các mặt trận B, C, K để bảo vệ Tổ quốc rồi trở thành liệt sĩ. Máu và mồ hôi của họ đã đổ xuống trên từng thước đất Tổ quốc. Không ít người trong số đó mãi mãi nằm lại trong rừng sâu, núi thẳm, không tên, không mộ, không kỷ vật.
Thầy Nguyễn Đình Ngô (xã Sơn Hà, Hương Sơn nay là xã Tứ Mỹ, Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ khi con gái đầu lòng mới hai tuổi, con út chưa kịp chào đời. Gần 60 năm sau, người con gái ấy là cô giáo Nguyễn Thị Mai Hiền vẫn day dứt bởi cha mình chưa có tên trong danh sách liệt sĩ nhà giáo của tỉnh. Câu chuyện tìm kiếm dấu vết người cha, người thầy liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô khiến người đọc không khỏi xúc động, bởi nỗi đau, sự day dứt và cả niềm tự hào khôn nguôi của người con gái nối nghiệp cha đứng trên bục giảng.
Hay trường hợp thầy Trần Xuân Tiến (nguyên giáo viên Trường cấp III Nghi Xuân nay trường THPT Nguyễn Du), sau ngày giải phóng, thầy được điều động vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk để làm nhiệm vụ đào tạo cấp tốc đội ngũ giáo viên cho các trường học buôn làng vùng Tây Nguyên. Trên đường đi nhận thiết bị dạy học, thầy bị quân Pulro phục kích và thầy đã chiến đấu anh dũng hy sinh ở Hàm Tân, Bình Thuận. Gần 35 năm sau, thi hài thầy mới được đưa về quê hương xã Trường Lưu, Hà Tĩnh.
Liệt sĩ Nguyễn Xuân Hương (xã Thạch Liên, Thạch Hà nay là xã Đông Kinh, Hà Tĩnh), một giáo viên gương mẫu, nhập ngũ năm 1971 và hy sinh năm 1972 ở mặt trận phía Nam Lào. Gia đình đã đi khắp nghĩa trang từ Nghệ An vào Quảng Trị, sang tận Lào để tìm mộ. Sau 73 ngày lang thang tìm kiếm, họ đứng trước một ngôi mộ vô danh có con số 73. Cũng năm đó, ông tròn 73 tuổi nếu còn sống. Một trùng hợp chua xót, khiến ai nghe qua cũng rưng rưng.
Và còn nữa, thầy Phạm Đình Cầu - giáo viên Trường cấp 1 Sơn Diệm (huyện Hương Sơn cũ, nay là xã Sơn Giang, Hà Tĩnh), là một trong ba anh em liệt sĩ trong cùng một gia đình. Sau khi được đào tạo lớp Cơ yếu Trung ương, thầy nhập ngũ, rồi hy sinh nơi chiến trường miền Nam. Đến nay, phần mộ vẫn chưa tìm thấy. Mỗi lần nhắc đến thầy, người dân xã Sơn Giang không khỏi xúc động nói về “người thầy mẫu mực đáng kính, người chiến sĩ thầm lặng”.
“Còn gần 30 liệt sĩ nhà giáo chúng tôi chưa tìm được đầy đủ thông tin, chưa xác định được thân nhân thờ phụng. Chúng tôi hy vọng cuốn sách “Chân dung các liệt sĩ nhà giáo Hà Tĩnh” kịp ra mắt đúng ngày 27/7 năm nay, nếu không thì cũng phải hoàn thành trước ngày Quốc khánh 2/9”, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Duy Tiệp - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Hà Tĩnh xúc động bày tỏ.
Ý tưởng viết sách bắt đầu từ một điều giản dị: Tri ân những nhà giáo đã ngã xuống. Nhưng hành trình hiện thực hóa điều đó là không dễ dàng chút nào, là một con đường đầy gian nan, không chỉ vì thời gian đã quá xa, mà bởi sự đứt gãy của tư liệu, ký ức và nhân chứng.
“Chúng tôi tập trung vào hai nhóm: Một là những người quê Hà Tĩnh từng công tác trong ngành Giáo dục ở mọi miền đất nước, hai là những người không gốc Hà Tĩnh nhưng từng giảng dạy ở đây đã hy sinh được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Khó nhất là xác minh thông tin, vì có người đã hy sinh từ gần một thế kỷ trước, thân nhân chuyển đi không để lại địa chỉ. Có trường hợp, chúng tôi gửi thư 20 lần nhưng không có hồi âm. Sau cùng, phải viết thư riêng gửi Bí thư Tỉnh ủy, nhờ vậy mới lần ra manh mối.”, Nhà giáo Ưu tú Trần Hữu Doãn cho biết.
Không ít gia đình khi nhận được cuộc gọi từ Hội, ban đầu ái ngại từ chối vì sợ… làm phiền. Có người thân liệt sĩ cảm động đến rơi nước mắt khi biết người cha, người mẹ, người thầy của mình từng đứng trên bục giảng, giờ được ngành Giáo dục ghi nhận. Những câu chuyện được thu thập không chỉ để ghi tên vào sách. Đó là những trang sử sống, những bài học đạo lý, những mảnh ghép linh thiêng làm nên bản anh hùng ca của giáo giới Hà Tĩnh.
“Khó khăn khiến đôi lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến sự hy sinh lặng thầm của đồng nghiệp xưa, chúng tôi lại cố làm vì công bằng, vì sự thật”, NGƯT Nguyễn Duy Tiệp giãi bày.
Cuốn sách “Chân dung các liệt sĩ nhà giáo Hà Tĩnh” không chỉ là sản phẩm của riêng Hội Cựu giáo chức hay Sở GD&ĐT. Đó là sự vào cuộc của các trường học và Hội Cựu giáo chức các cấp, của thân nhân các liệt sĩ - nhà giáo và các thế hệ học sinh. Việc áp dụng Công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã đem lại thành công là huy động được mọi người vào cuộc để cùng nhau nhớ, cùng nhau tìm, cùng nhau tri ân.
Hội đã phát động các nhà trường rà soát, gửi phiếu thu thập thông tin về các thầy cô từng công tác tại đơn vị nay đã hy sinh. Các nhà giáo đương chức được khuyến khích viết bài, kể lại những câu chuyện còn nhớ được về đồng nghiệp xưa. Trên fanpage Hội Cựu giáo chức tỉnh Hà Tĩnh, hàng tuần có một mẩu chuyện xúc động được đăng tải. Những câu chuyện nhỏ ấy, gom lại, sẽ thắp sáng cả một ký ức lớn lao.
Đến thời điểm này, Hội đã xác minh được hơn 150 nhà giáo liệt sĩ của tỉnh. Trong đó, 127 liệt sĩ nhà giáo đã có thông tin cơ bản, thu thập nhiều mẩu chuyện xúc động, nhiều bài viết rất quý giá từ các cựu giáo chức và các nhà giáo, các thế hệ học sinh; tuy nhiên vẫn đang còn 57 liệt sĩ chưa có mộ phần. Mỗi thông tin được xác minh, mỗi tên tuổi được ghi nhận là một nén hương lòng được thắp lên trong trái tim những người còn sống.
“Việc thực hiện cuốn sách “Chân dung các liệt sĩ nhà giáo Hà Tĩnh” rất có ý nghĩa; ghi lại cuộc đời, sự nghiệp và sự hi sinh anh dũng của các nhà giáo. Họ không chỉ dạy chữ mà còn gieo mầm, lan tỏa lòng yêu nước cho các thế hệ thầy cô giáo, học sinh, có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với thế hệ trẻ giúp các em hiểu được sâu sắc về giá trị của hòa bình độc lập”. - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nguyệt