Hành trình vượt khó của 2 ngôi trường vùng biên

14/11/2023, 11:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mường Lát là huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Do đó, sự nghiệp giáo dục ở địa phương này còn nhiều gian truân.

Mường Lát là huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Do đó, sự nghiệp giáo dục ở địa phương này còn nhiều gian truân. Tuy nhiên, năm học vừa qua, lần đầu tiên Mường Lát có 35 học sinh THCS đỗ vào trường THPT dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh. Trong đó, có nhiều em được vinh danh vì đạt trên 40 điểm.

Kỳ tích đáng nể

Là nhà giáo từng cắm bản hơn 30 năm ở vùng đất biên giới Mường Lát xa xôi, giờ đây thầy Nguyễn Văn Giang đã là Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát. Hơn 30 năm qua, thầy Giang từng chứng kiến sự khó khăn, vất vả của những người làm công tác giáo dục ở vùng đất này và dường như cũng đã “quen” với nỗi nhọc nhằn, gian truân ấy.

Bởi, vùng biên giới xa xôi này từ khi còn là huyện Quan Hóa cũ, rồi chia tách, thành lập huyện Mường Lát (năm 1997) cho đến nay vẫn chưa thể thoát nghèo. Công tác giáo dục của địa phương cũng chưa bao giờ có chất lượng và “xếp thứ hạng” cao so với các địa phương khác trong tỉnh.

Thế nhưng, năm học vừa qua (2022 - 2023), có thể nói là thành công nhất từ trước đến nay, khi ngôi trường của thầy Giang lần đầu tiên có tới 13 học sinh lớp 9 đỗ vào 2 trường THPT DTNT của tỉnh. Trong đó, có 3 em được Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa vinh danh khi đạt trên 40 điểm.

Thầy Giang tâm sự: “Thành tích của năm học vừa qua, đã khích lệ tinh thần hiếu học và quyết tâm vươn lên của nhà trường. Đây cũng là lần đầu tiên nhà trường có 13 học sinh đỗ vào 2 trường THPT DTNT của tỉnh. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của huyện Mường Lát đang còn rất nhiều khó khăn mà nhà trường đạt được thành quả như vậy là nhờ vào sự cố gắng phấn đấu, nỗ lực không biết mệt mỏi của thầy, cô giáo và học sinh”.

Cũng theo thầy Giang, so với mặt bằng chung về chất lượng giáo dục, thì Mường Lát hiện có 2 ngôi trường, gồm: Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát và Trường PTDTNT – THCS Mường Lát, đây là 2 đơn vị dẫn đầu về chất. Tuy nhiên, so với các nơi khác trong tỉnh, thì cũng chưa phải là đáng kể.

Em Vi Ngân Thương, học sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát đỗ vào Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa với số điểm 40,8 và được nhà trường vinh danh là một trong những học sinh có số điểm cao, chia sẻ: “Em có được kết quả cao trong kỳ thi vừa qua là nhờ công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo nhà trường. Em sẽ cố gắng phấn đấu trong học tập, đạt được thành tích cao hơn nữa trong những năm học ở Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa, để không phụ công ơn của các thầy, cô giáo và bố, mẹ”.

Còn ở Trường PTDTNT - THCS Mường Lát, năm học vừa qua cũng là một năm đáng tự hào của ngôi trường này. Thầy Trịnh Xuân Tâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, nhà trường có 17 em đỗ vào Trường THPT DTNT, trong đó 9 em đỗ vào Trường THPT DTNT Ngọc Lặc và 8 em đỗ vào Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa.

“Đây là năm nhà trường có số lượng học sinh đỗ vào 2 trường THPT DTNT tỉnh cao nhất từ trước đến nay. Để có thành tích này, là nhờ sự cố gắng phấn đấu dạy tốt, học tốt của thầy và trò nhà trường. Với thành tích ấy, nhà trường coi đó là nền tảng tinh thần để cố gắng phấn đấu vươn lên cho những năm học tiếp theo”, thầy Tâm chia sẻ.

Giờ sinh hoạt dưới cờ của Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát.
Giờ sinh hoạt dưới cờ của Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát.

Đặt nhiều kỳ vọng phía trước

Trò chuyện với phóng viên Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, năm học vừa qua là năm có thành tích cao nhất từ trước đến nay đối với ngành Giáo dục vùng biên giới này.

“Theo thống kê của ngành, điểm bình quân thi vào lớp 10 THPT của huyện Mường Lát cao hơn năm trước, có 35 học sinh đỗ lớp 10 THPT DTNT tỉnh và THPT DTNT Ngọc Lặc. Đây là năm có số học sinh cao nhất đỗ vào 2 ngôi trường trên. Trong đó, có em đạt 42,3 xếp thứ 3 Trường THPT DTNT tỉnh, đồng thời có 4 em được trường vinh danh vì có điểm cao trong thi vào lớp 10”, bà Thúy cho hay.

Cũng theo bà Thúy, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của huyện đang nhiều khó khăn, song hiện nay, bậc học mầm non đã có 8/10 trường tổ chức được việc nuôi ăn bán trú. Trong đó, các trường có tỷ lệ trẻ ăn bán trú cao, gồm: Mầm non thị trấn, Tén Tằn, Tam Chung, Trung Lý.

“Tuy nhiên, hiện tại các trường mầm non, tiểu học còn nhiều điểm lẻ, rất khó khăn trong sắp xếp, bố trí giáo viên cho các trường. Khoảng cách địa lý từ xã này sang xã kia, từ bản này đến bản khác cách xa. Địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nên việc dồn khu, dồn lớp khó thực hiện, chất lượng lớp ghép và học sinh ở khu lẻ thấp. Tình trạng thiếu giáo viên ở ba bậc học vẫn chưa khắc phục được, nhất là các môn đặc thù và môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018, cơ cấu giáo viên không đồng đều ở các môn bậc THCS”, bà Thúy thông tin.

Là ngôi trường có nhiều điểm lẻ nhất, nhì ở huyện, Trường Mầm non Tam Chung hiện nay cũng đã tổ chức ăn bán trú được cho trẻ ở 4 điểm, gồm: Bản Ón, bản Poọng, bản Lát và bản Suối Lóng. Cô Hàn Thị Giang – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường có 6 điểm lẻ và 1 điểm chính. Do điều kiện kinh tế của người dân đang rất khó khăn, nên để tổ chức được công tác bán trú không phải là đơn giản.

Điểm lẻ xa xôi, khó khăn nhất là bản Ón, cách trường chính hơn 20km đường rừng. Trong khi đó, trẻ ở điểm lẻ này là con em đồng bào dân tộc Mông, nên nhà trường phải vận động, tuyên truyền rất nhiều lần, bà con mới cho các bé ăn bán trú.

Cô Hà Thị Pứng - Trưởng khu lẻ Mầm non bản Ón tâm sự: “Khó khăn, vất vả lắm anh ạ! Để tổ chức được bếp ăn bán trú cho các con ở điểm lẻ, nhà trường phải vận dụng hết mọi khả năng, kêu gọi sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền, các ngành... và đặc biệt là các nhà hảo tâm để tổ chức bán trú cho các con ở điểm lẻ”.

Theo đánh giá chung của ngành GD-ĐT Mường Lát cho thấy, năng lực của một số cán bộ quản lý còn hạn chế, chậm đổi mới. Trình độ, năng lực nghề nghiệp của một số giáo viên còn yếu, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy và chưa chuyên tâm với nghề... Ngoài ra, cơ sở vật chất cơ bản mới đáp ứng về phòng học.

Nhiều phòng học xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa. Nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS còn thiếu phòng học, nên chưa thể thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Các khu lẻ còn thiếu phòng chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Một số đơn vị chưa thực hiện tốt việc sắp xếp, bảo quản các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, khai thác và sử dụng các trang thiết bị hiện có kém hiệu quả.

Cô giáo Trường Mầm non Tén Tằn (Mường Lát) cho trẻ ăn bán trú.
Cô giáo Trường Mầm non Tén Tằn (Mường Lát) cho trẻ ăn bán trú.
Cô giáo Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát) chăm sóc trẻ ở điểm lẻ bản Ón.
Cô giáo Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát) chăm sóc trẻ ở điểm lẻ bản Ón.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát thông tin thêm, năm học mới này, ngành Giáo dục Mường Lát tiếp tục giữ vững sự ổn định về mạng lưới quy mô trường, lớp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng.

Duy trì và nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng hoạt động chuyên môn, giảm tỉ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học, tăng tỉ lệ học sinh khá, giỏi. Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tăng cường phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Phấn đấu năm học 2023 - 2024 có học sinh giỏi cấp tỉnh và quan tâm giúp đỡ học sinh gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chuyên môn, sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong các nhà trường. Thực hiện tốt công tác dân chủ, đoàn kết nội bộ, tạo thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành đề ra trong năm học.

Một số vị trí việc làm còn thiếu biên chế, như: Nhân viên thiết bị, thư viện, y tế; giáo viên tiểu học, giáo viên THCS hoặc hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế để các trường thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn theo quy định.

Ông Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng những thành tích của năm học vừa qua đã đánh dấu sự nỗ lực của ngành Giáo dục. Các nhà trường đã làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi.

“Đặc biệt, chất lượng giáo dục cũng đã được nâng cao và cũng là năm đầu tiên có số lượng học sinh lớp 9 đậu vào Trường THPT DTNT tỉnh cao nhất từ trước đến nay. Đó là những kỳ vọng mới của ngành Giáo dục vùng biên giới khó khăn này”, ông Giang chia sẻ.

Theo ông Giang, hiện tại huyện Mường Lát đã đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư các chương trình dự án, tăng cường cơ sở vật chất trường học. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng huyện để giao số lớp, số biên chế phù hợp với thực tế của từng đơn vị trường học.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã đề nghị Sở GD&ĐT nâng cao chất lượng công tác tổ chức các chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề dạy học các môn tích hợp trong Chương trình GDPT 2018.

Em Trịnh Lê Đan, học sinh lớp 9 của nhà trường đạt 42,30 điểm trong kỳ thi vào lớp 10, Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa. Em có bố là giáo viên dạy môn Âm nhạc của nhà trường, mẹ em đang công tác tại huyện Quan Hóa. Hai chị em Lê Đan ở cùng bố và theo học tại trường.

Mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình còn khó khăn, nhưng Lê Đan đã nỗ lực vươn lên trong học tập rất đáng ghi nhận. Cùng với Lê Đan, em Vi Ngân Thương là con của liệt sĩ Thiếu tá Vi Văn Luân – Công an xã Pù Nhi (Mường Lát) đã hy sinh trong lúc trấn áp tội phạm buôn bán ma túy từ bản Tà Cóm, xã Trung Lý vận chuyển sang bản Mau, xã Mường Lý để tiêu thụ vào đêm 6/2/2021.

Mặc dù vậy, Ngân Thương đã phấn đấu vươn lên trong học tập và luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc của nhà trường. Tại kỳ thi vào lớp 10, Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa, em Thương đạt 40,8 điểm và đồng thời cũng là nữ sinh vừa nhận được học bổng Tiếng Anh của Đại sứ quán Hoa kỳ.

Thầy Nguyễn Văn Giang (Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình vượt khó của 2 ngôi trường vùng biên