Rối loạn tâm lý tuổi học đường đã nghiêm trọng, càng nặng nề hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc học trực tuyến kéo dài. Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM) chia sẻ: Rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả trường học hiện nay. Đáng nói, vẫn còn nhiều học sinh chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập, thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường… Đặc biệt, thời gian học trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, giao tiếp khiến học sinh dễ rơi vào trầm cảm, stress, để lại hậu quả nghiêm trọng”, thầy Bảo nhận xét.
Liên quan đến vấn đề tâm lý học trò hậu Covid-19, cô Huỳnh Thị Thu Vân, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Thới Hoà (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng chia sẻ: Khi trở lại trường, một số em có dấu hiệu tăng động, từ những xích mích nhỏ có thể làm nghiêm trọng vấn đề, nhất là hiện tượng bạo lực. Tình hình này buộc giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm lớp nhiều hơn, chú ý và quan sát học sinh.
Kinh nghiệm của cô Vân là trong buổi sinh hoạt chủ nhiệm dành 15 phút để đánh giá tổng kết tuần và đưa phương hướng tuần tới cho lớp. 30 phút còn lại cô dành để trang bị kỹ năng sống. Với trò lớp 6, 7, cô Vân trang bị cho các em một số kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Đây là việc làm thiết thực, phù hợp nhu cầu, qua đó giúp các em hứng thú hơn với buổi sinh hoạt.
Sau đợt dịch Covid-19, giáo viên chủ nhiệm luôn phải để tâm đến những trường hợp có bố mẹ bị mất do dịch bệnh hay những học sinh từng là F0. Tại lớp của cô Vân, sau khi các em bị F0 thì có dấu hiệu lo sợ hậu Covid. Vì vậy giáo viên phải nói chuyện và tâm sự với học sinh nhiều hơn. Cô Vân tranh thủ các buổi ngoài giờ học hoặc thời gian cuối tiết học để chia sẻ thêm về một số thông tin chăm sóc bản thân, trấn an các em như khuyên nhủ việc ăn uống, học tập, nghỉ ngơi, tập thể dục… để giữ sức khoẻ.
Trường THCS Thới Hoà gần đây ghi nhận một trường hợp học sinh giỏi khối lớp 8 sau khi trở lại học tập trực tiếp có dấu hiệu nghiện game. Nguyên nhân do thời gian dài học sinh tiếp xúc với máy tính nên em sa vào trò chơi điện tử. Sau thời gian quan sát, theo dõi và đánh giá nguyên nhân tác động, các giáo viên của trường chủ động thực hiện giải pháp hỗ trợ tâm lý học trò. Cụ thể là cho em xây dựng dàn bài hoặc làm một số việc nhỏ giúp thầy cô để học sinh có thể đến trường nhiều hơn, từ đó rời xa điện thoại, máy tính và tham gia hoạt động với lớp. Đến nay, em bắt đầu vui vẻ và làm việc với giáo viên, rời xa điện thoại… Qua các bài kiểm tra đánh giá, em tập trung làm bài ở một số môn học, riêng các bộ môn khác em cần thời gian lấy lại kiến thức.
Cẩn thận tình trạng thừa cân ở trẻ
Sau thời gian học ở nhà, thói quen ăn uống của trẻ có sự thay đổi. Do cha mẹ đi làm, không có người giám sát nên trẻ thích gì ăn đấy, tiện lúc nào ăn lúc đó. Điều này dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc suy dinh dưỡng. Khi đi học trở lại, trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện sinh hoạt, ăn uống theo khung giờ nhất định.
Giải quyết tình trạng trên, bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Nhi đồng TPHCM) cho hay: Đối với học sinh béo phì, cần có biện pháp điều trị phù hợp. Ở góc độ dinh dưỡng, chỉ cần ăn ít hơn nhu cầu năng lượng cho các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày. Nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn tối. Tăng cường thức ăn giàu chất xơ như gạo lứt, khoai, bắp, rau xanh các loại và trái cây tươi ít ngọt (như mận, củ sắn, thanh long, bưởi, táo ta, đu đủ, cam, quýt...) để vừa giảm cung cấp năng lượng, vừa bổ sung lượng vitamin, muối khoáng giúp dễ tiêu hóa và ngừa táo bón, tăng thải cholesterol và các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Cũng theo bác sĩ Minh, phụ huynh giảm bớt những thức ăn giàu năng lượng mỗi bữa ăn cho con em như: Cơm, mì, dầu, mỡ, bơ, bánh ngọt, kẹo, chè ngọt, chocolate. Hạn chế ăn đường, nước ngọt, rượu, bia... Giảm tối đa chất béo, nên ăn đều đặn, tránh bỏ bữa. Thời gian và cường độ vận động cần sắp xếp hợp lý. Nên vận động thường xuyên, đều đặn hầu hết các ngày trong tuần, mỗi lần vận động hơn 10 phút, sao cho tổng thời gian tập trong một ngày hơn 30 phút. Sau khi đã quen, cố gắng liên tục 30 phút/lần vận động. Việc tập luyện đều đặn và thường xuyên không làm tăng cảm giác thèm ăn.