Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng không xác nhận nhập học mà muốn xét bổ sung ở cơ sở khác thì cần tư vấn kĩ từ cơ sở xét bổ sung.
Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng đã xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ mà muốn xét bổ sung ở cơ sở giáo dục ĐH khác thì cần phải được sự đồng ý của cơ sở ĐH đã đăng ký, đỗ và xác nhận nhập học.
Trường ĐH Hòa Bình cũng thông báo xét tuyển bổ sung 395 chỉ tiêu cho nhiều ngành đào tạo. Trong đó, với các ngành thuộc nhóm Sức khỏe, điểm sàn nhận hồ sơ bằng ngưỡng đảm bảo quy định chất lượng tối thiểu của Bộ GD&ĐT, các ngành khác đạt từ 15 điểm.
Các chuyên gia khuyên thí sinh dự định nộp vào trường nào cần đến tận nơi tìm hiểu hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin. Khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung.
TS Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hòa Bình chia sẻ, khi tham gia xét tuyển bổ sung, thí sinh cần nắm được thông tin số lượng tuyển bổ sung và mức độ quan tâm của thí sinh đối với ngành mong muốn xét tuyển (mức độ hot). Từ đó căn cứ điểm của mình để quyết định nộp hồ sơ.
Tính đến thời điểm hiện tại, có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Các năm trước con số tối đa là 63%. Riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học. Như vậy, vai trò của việc lọc ảo là vô cùng cần thiết và quan trọng, giúp cho các cơ sở đào tạo giảm thiểu được số lượng thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển và giữa các cơ sở đào tạo. Thí sinh được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành và trường mong muốn mà không phải chịu sức ép phải xác nhận nhập học sớm.