
Nguy hại chẳng kém thuốc lá truyền thống
Thuốc lá thế hệ mới hiện nay phổ biến là các loại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng/làm nóng.
Thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi như e-cigs, e-hookah, vape. Đây là một thiết bị mô phỏng có chứa chất lỏng bên trong và dùng điện để đốt cháy chất lỏng đó. Chất lỏng sau khi được đốt cháy sẽ biến thành luồng khói có hương thơm và có chứa nicotine để người sử dụng hít vào.
Thuốc lá nung nóng là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép. Điếu thuốc (hay đầu mồi) được làm nóng đến nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói, làn khói có thể hít vào.
Do được quảng bá như một giải pháp hữu hiệu thay thế thuốc lá truyền thống, có hương thơm dễ chịu, không gây nghiện, không độc hại... nên nhiều người đã lầm tưởng hút thuốc lá thế hệ mới là phương thức thuận tiện vô hại để cai nghiện thuốc lá truyền thống. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Johns Hopkins, thuốc lá điện tử có chứa hóa chất có thể gây rủi ro cho sức khỏe. Có tới gần 2.000 hợp chất hóa học khác nhau đã được phát hiện trong nghiên cứu, hầu hết các hợp chất đó đều chưa được xác định.
Trong đó, có 6 hợp chất có khả năng gây hại, bao gồm hóa chất có khả năng gây kích ứng đường hô hấp, hóa chất công nghiệp, thuốc trừ sâu và cafeine.
Trong khi đó, một nghiên cứu tương tự của Úc đã phân tích thành phần hóa học của 65 chất lỏng trong thuốc lá điện tử, cũng cho thấy mỗi mẫu được nghiên cứu đều chứa ít nhất một loại hóa chất có khả năng gây hại. Chúng bao gồm benzaldehyde, một chất kích thích đường thở và trans-cinnamaldehyde, một chất ức chế miễn dịch.
Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều có đặc điểm chung là chứa nicotine, một trong những chất có tính gây nghiện hàng đầu (chỉ sau heroin và cocain).
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hút thuốc lá điện tử gây ra những tổn thương ở cấp độ tế bào trong phổi. Việc hít vào các chất hóa học có trong thành phần thuốc lá điện tử, có thể gây các tổn thương không thể phục hồi ở phổi.
Thuốc lá điện tử, kể cả một số loại thuốc lá nung nóng, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức, hoặc thêm ma túy và chất gây nghiện khác để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên hệ giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng được chứng minh làm tăng mức độ nặng và tử vong ở người bệnh Covid-19 lên 50%, và tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nghiêm trọng hơn thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn gây nhồi máu cơ tim, liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp, hình ảnh tổn thương phổi giống như của bệnh nhân Covid-19.

Thuốc lá thế hệ mới làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy bất hợp pháp
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.
Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nam giới hút thuốc lá điếu. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến nữ giới và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.
Theo các chuyên gia thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.
Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine lên mức cao hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà không bị phát hiện.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, tăng nguy cơ uống rượu.
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
(Còn tiếp)