Khi được hỏi về cách đánh giá một bức tranh, X.Lan chia sẻ: “Nếu phải “chấm điểm” một bức tranh một cách nghiêm túc thì tất nhiên mình sẽ chia ra nội dung và kỹ thuật rồi chia nhỏ các tiêu chí đó ra nữa. Nhưng để thưởng thức thì mình chỉ có một tiêu chí đó là tác phẩm phải mang đến cảm xúc nhất định cho tác giả và người xem. Những tranh mình vẽ thời kỳ đầu rất xấu, nhưng giờ nhìn lại vẫn thích và nhớ được cảm giác khi vẽ nó. Đôi khi mình cũng thử vẽ lại để xem khi trình độ vững rồi tranh có đẹp hơn không, nhưng tranh mới lại không giữ được tinh thần cũ.”
X.Lan cũng cho rằng, mỗi bức tranh cần phải có câu chuyện và câu chuyện đó phải là của riêng mình. Điều này được cô rút ra từ chính trải nghiệm cá nhân trong công việc. Khi bản thân không cảm nhận được câu chuyện của người khác hoặc cách hiểu lại bị bẻ đi theo ý muốn của khách hàng thì các bức tranh thường không như ý muốn của cô. Đồng thời vấn đề này cũng thường xảy ra khi cô tham gia một số dự án vẽ theo chủ đề. Nếu không nghĩ ra câu chuyện liên quan tới chủ đề được giao thì cô cũng không thể vẽ được. Đó cũng là trăn trở lớn nhất của X.Lan trong quá trình làm nghề, nhiều khi cô phải tự đặt ra câu hỏi liệu có phải do khả năng thích nghi và sự linh hoạt của bản thân kém hay không.
Mặc dù làm nghề hoạ sĩ minh hoạ đến nay đã được 8 năm nhưng X.Lan chưa bao giờ đặt nặng việc phải tạo ra phong cách cá nhân trong từng tác phẩm. Cô chia sẻ: “ Mình không đặt ra mục tiêu phải có phong cách riêng ngay từ đầu, vẽ đủ nhiều thì nó cứ tự đến thôi. Mình cũng không biết là bản thân có phong cách gì cho đến khi mọi người bảo có thể nhận ra tranh của mình khi nó được đăng tải lại ở đâu đó”.
Điều này được kiểm chứng trong mỗi bức tranh của cô đều đem đến cảm giác mộc mạc, ấm áp và dễ chịu cho người xem. Đó có thể là câu chuyện về bữa cơm hàng ngày, chuyện đi tiêm phòng, hay những lát cắt dung dị về thành phố nơi cô đang ở. Một phần cũng đến từ sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ và thói quen ghi chép hàng ngày được cô cho là cách duy trì kho tàng ý tưởng.
X.Lan cũng chia sẻ về dự định trong tương lai sẽ tiếp tục vẽ và cố gắng để bản thân không bị đào thải. Bởi nghề vẽ minh hoạ tại Việt Nam đang là thị trường tiềm năng, đặc biệt khi mỹ thuật ứng dụng được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường đại học. Bên cạnh việc đem tới cơ hội việc làm cao thì sự cạnh tranh và đào thải là lẽ tất yếu vì các hoạ sĩ mới được đào tạo từ sớm, có năng lực và sức sáng tạo mạnh mẽ để bắt kịp xu thế. X. Lan bày tỏ: “Đối với những bạn trẻ có niềm đam mê với công việc này nếu muốn nghe theo “tiếng gọi trái tim” họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cả kỹ năng, tinh thần và tài chính. Chỉ yêu thích thôi thì không đủ. Họ cần nhiều chút gan lỳ”.
Dám đam mê và dấn thân để đạt được thành công như hiện tại - câu chuyện của hoạ sĩ trẻ X.Lan là nguồn cảm hứng cho những ai chưa tìm được lối đi cho mình trong cuộc sống, để từ đó mạnh dạn bước ra vùng an toàn của bản thân.