Rồi khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác thanh niên trong nước đã xuất hiện ở nhiều nơi. Ban đầu là ở Nhà máy Xi măng và Trường Trung học Bon-Nam (nay là Trường Ngô Quyền, Hải Phòng). Chi bộ Thanh niên nhà máy xi măng lúc bấy giờ có 10 đoàn viên, ra báo bí mật, lấy tên là Tia lửa.
Cuối tháng 3/1931, trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 họp tại Sài Gòn nhấn mạnh: “… Tổ chức ra TNCS Đoàn là nhiệm vụ để thâu phục một bộ phận quan trọng của giai cấp vô sản, là một vấn đề cần kíp mà Đảng phải giải quyết. Do đó Đảng phải chủ trương thống nhất các tổ chức thanh niên thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương nhằm thu hút thanh niên phấn đấu cho lý tưởng Cộng sản Chủ nghĩa".
Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm.
Vai trò của Thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được chứng minh, khẳng định qua suốt chiều dài lịch sử của đất nước.