Hoàn thiện các thủ tục đưa 5 trường chuyên biệt về Ủy ban Dân tộc

Khôi Nguyên | 05/10/2022, 16:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 5/10, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã dự cuộc họp để hoàn thiện các thủ tục đưa 5 trường chuyên biệt về Ủy ban Dân tộc. 

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; đại diện 5 trường chuyên biệt gồm: Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang, Trường Dự bị Đại học TP Hồ Chí Minh và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc; cùng lãnh đạo một số cục, vụ liên quan của Bộ GD&ĐT.

Theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 5 trường chuyên biệt nêu trên sẽ chuyển từ Bộ GD&ĐT về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (nơi các trường chuyên biệt đóng trụ sở chính) thực hiện điều chuyển biên chế viên chức, người lao động, bàn giao tài chính, tài sản, trụ sở của các trường chuyên biệt để quản lý theo quy định.

Ủy ban Dân tộc tiếp nhận quản lý theo quy định; chỉ đạo các trường chuyên biệt xây dựng phương án, tổ chức thực hiện sắp xếp lại các tổ chức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thiện các thủ tục đưa 5 trường chuyên biệt về Ủy ban Dân tộc ảnh 1

Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải.

Sau khi nghe ý kiến chia sẻ từ đại diện các trường chuyên biệt, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho rằng, không nên đặt vấn đề chuyển đổi này là quá to tát và cần làm đúng theo quy định. Ông Hải nhận định, tâm tư của cán bộ, giáo viên ở các trường là có, nhưng cũng cần động viên tinh thần để các thầy cô yên tâm công tác. Thực tế, Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc đã có sự phối hợp rất nhịp nhàng để mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cũng cho hay, tất cả các yếu tố thuộc về thi đua, tài chính, tài sản hay con dấu cũng cần được thực hiện phù hợp với thực tế. Nếu hồ sơ liên quan đã thống nhất giữa cơ sở, hai Bộ thì sẽ tiến hành ký kết để bàn giao. Trường hợp còn vướng mắc cần tháo gỡ thì tiếp tục trao đổi để đi đến thống nhất trước khi trình lãnh đạo hai Bộ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thẳng thắn giữa Ủy ban Dân tộc với Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho biết, các trường phải có báo cáo cụ thể, chính xác để đưa vào biên bản bàn giao chính thức để đảm bảo tính pháp lý. Với các biên bản nhỏ về tài chính, tài sản, thi đua khen thưởng, nhân sự... cũng cần đảm bảo khách quan và có hiệu lực. Các vụ liên quan sẽ phối hợp với các trường để có sự bàn giao cụ thể.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thiện các thủ tục đưa 5 trường chuyên biệt về Ủy ban Dân tộc