Hoàn thiện thể chế, chính sách để chuyển dịch năng lượng công bằng, bền vững

06/03/2023, 15:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo các nhà khoa học, xu hướng chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang được đẩy mạnh và tập trung phát triển trong thời gian tới. Do đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng, bảo đảm chuyển dịch năng lượng công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong những năm vừa qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam (78121 MW), trong đó điện gió 4.126 MW, điện mặt trời mái nhà 7.660 MW, điện mặt trời trang trại 8.904 MW, thủy điện 22.111MW, điện sinh khối 325 MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Về điện mặt trời, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất.

Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đề nghị Quy hoạch điện VIII, Chiến lược, quy hoạch năng lượng sớm được phê duyệt. Ngoài ra, cần xây dựng giá mua điện hợp lý trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa bên bán và bên mua điện. Các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi cần triển khai khẩn trương để có thế hoàn thành phê duyệt sớm.

Đồng thời, cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án. Cần ban hành đồng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thuỷ điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện...

Cùng quan điểm, GS. Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam đề nghị, Quy hoạch điện VIII cần sớm được phê duyệt nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ và tài chính. Các yếu tố về chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch cần được xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, đến 2035 phát thải từ ngành điện đạt đỉnh 239 triệu tấn CO2 đến năm 2050 còn khoảng 30 triệu tấn là phù hợp chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Các biện pháp điều hành cần được điều chỉnh phù hợp với biến động về nhu cầu, tiến độ xây dựng nguồn và các công trình điện, giá cả các nguồn năng lượng… tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho phát triển điện mặt trời, sớm có quy định rõ ràng về điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn kết nối với lưới điện, phòng chống cháy nổ.

Còn PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, các dự án năng lượng (như nhiệt điện than, khí, thủy điện) đều là các dự án lớn (trừ các dự án điện tái tạo ít kinh phí thực hiện hơn), hầu hết sử dụng vốn vay của nước ngoài, hoặc gọi vốn nước ngoài (BOT).

Theo kinh nghiệm thực hiện Quyết định 1791/QĐ-TTg về nội địa hóa các hạng mục của nhà máy nhiệt điện, Việt Nam đã trang bị được 9 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục lớn, giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Khả năng huy động vốn trong nước hiện nay là hiện thực.

Do đó, cần có biện pháp đẩy mạnh huy động vốn trong nước để thực hiện các dự án năng lượng, tránh phải chịu những điều kiện ngặt nghèo khi vay hay gọi vốn của nước ngoài. Thực tế, nhiều dự án năng lượng lớn cũng đã nhận được sự bảo lãnh và cho vay của các ngân hàng trong nước.


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/hoan-thien-the-che-chinh-sach-de-chuyen-dich-nang-luong-cong-bang-ben-vung-102230306145726444.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/hoan-thien-the-che-chinh-sach-de-chuyen-dich-nang-luong-cong-bang-ben-vung-102230306145726444.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thiện thể chế, chính sách để chuyển dịch năng lượng công bằng, bền vững