Học sinh Anh biểu tình chống lệnh cấm đi vệ sinh

11/03/2023, 08:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quy tắc nghiêm ngặt liên quan đến nhà vệ sinh đã gây ra các cuộc biểu tình trường học trên khắp nước Anh. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng chỉ nhìn nhận làn sóng này bị thúc đẩy bởi TikTok.

Nhà vệ sinh trường học đang trở thành nỗi ám ảnh của học sinh Anh. Ảnh: Telegraph.

Học sinh trong bộ đồng phục ném thùng rác khắp sân chơi, đẩy băng ghế đổ ngược trên sân trường, hay nhổ bật gốc các cột gôn...

Những cảnh lộn xộn trên đến từ một trong nhiều cuộc biểu tình đang diễn ra tại các trường học trên khắp nước Anh. Tất cả đều được ghi lại bằng điện thoại di động và chuyển thành các video lan truyền trên TikTok.

Đến nỗi, Bộ Giáo dục Anh phải tuyên bố lo ngại về những gì đang diễn ra khi TikTok chứa đầy những hình ảnh tiêu cực. Những video với hàng chục, hàng trăm nghìn lượt xem đã thúc đẩy các cuộc biểu tình tương tự nổ ra.

Nguyên nhân hàng đầu của làn sóng phẫn nộ được cho là xuất phát từ các quy định nghiêm ngặt trong trường học, bao gồm quy định đồng phục, hạn chế học sinh sử dụng nhà vệ sinh trong giờ học.

Nỗi ám ảnh nhà vệ sinh

Tại trường Trung học Parkside ở Chesterfield (Anh), ngày 7/3, 47 học sinh bị đình chỉ học một tuần sau khi tổ chức một cuộc biểu tình phản đối quy định "quái quỷ và vô nhân đạo" liên quan đến nhà vệ sinh.

Theo đó, nhà trường yêu cầu mọi học sinh, kể cả học sinh nữ đang trong ngày kinh nguyệt, cần phải được cho phép để đi vệ sinh trong giờ học.

Tại một trường học ở Southampton, học sinh phản đối việc nam - nữ phải dùng chung nhà vệ sinh. Trong khi đó, cảnh sát đã được mời đến một trường học khác ở Devon khi các học sinh phản đối việc cửa ra vào các khu nhà vệ sinh bị dỡ bỏ - một biện pháp mà một số trường khác cũng đã thực hiện.

Tại trường Mountain Ash Comprehensive ở Rhondda Cynon Taf (xứ Wales), tuần trước, 34 học sinh đã bị đuổi học sau tổ chức biểu tình phản đối nhà vệ sinh dành cho cả nam và nữ. Nhà trường cho rằng đó là hành vi chống đối xã hội nghiêm trọng và cho biết nhà vệ sinh có thiết kế mở, có khu vực dành riêng cho nam và nữ.

TS Haines Lyon, người đang thực hiện một dự án nghiên cứu về nhà vệ sinh trường học, cho biết hầu hết phụ huynh được khảo sát nói rằng con họ bày tỏ lo ngại về nhà vệ sinh trường học, bao gồm cả tình trạng khủng khiếp của chúng.

“Các trường học đang cố gắng làm điều đúng đắn nhưng họ đang sử dụng phương án tồi tệ khi đưa ra các quy định khắt khe. Điều này giống việc sẵn sàng trừng phạt nhiều người chỉ bởi hành vi của một số ít người”, TS Lyon nói về các quy tắc nghiêm ngặt.

Ở những trường học có số lượng học sinh lớn, các phòng vệ sinh thường không đủ để đáp ứng nhu cầu trong giờ ra chơi. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng.

Một số phụ huynh cho biết con cái của họ không chịu uống nước cả ngày để tránh phải sử dụng nhà vệ sinh ở trường.

Alice, học sinh lớp 8 tại một trường ở Bắc London, cho biết việc đi vệ sinh trong giờ học, giờ nghỉ và bữa trưa là điều thực sự khó khăn, nhất là đối với các em nữ đang trong kỳ kinh nguyệt.

“Các giáo viên nói rằng họ không thể đưa ra bất kỳ ngoại lệ nào, điều này thực sự gây phiền phức”, Alice nói.

Trong khi đó, bà Claire, mẹ của một thiếu niên tại một trường trung học tại London, rất bức xúc khi con trai cô bị cấm túc nửa giờ vì xin đi vệ sinh.

“Trường học của con trai tôi thông báo nếu bất kỳ ai tham gia biểu tình, chúng sẽ bị đình chỉ học ngay lập tức. Tàn nhẫn. Học sinh được thông báo nhà trường có kênh phản ánh chính thức. Tuy nhiên, con trai tôi nói học sinh không được lắng nghe và nhà trường không làm bất cứ điều gì”, bà Claire nói.

Được biết, các hình ảnh ghi lại trên TikTok cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, Telegraph đặt câu hỏi: "Tại sao nhà vệ sinh lại trở thành lý do hàng đầu trong cuộc đối đầu gay gắt này?".

hoc sinh Anh bieu tinh anh 1

Telegraph cho rằng hiệu trưởng chỉ nghĩ các cuộc biểu tình nổ ra do sự thúc đẩy từ các video trên TikTok mà quên mất lý do thực sự. Ảnh: Guardian.

Các quy tắc nghiêm ngặt trở thành "mốt" trong trường học

Telegraph nhận xét các hiệu trưởng đã có cái nhìn không rõ ràng về làn sóng phản đối này. Họ đổ lỗi cho mạng xã hội đã làm các cuộc biểu tình lan rộng. Nhưng thực tế, những lo ngại của học sinh và phụ huynh về vấn đề nhà vệ sinh là có thật.

Dường như các quy định nghiêm ngặt đang trở thành "mốt" trong các trường công lập. Trường công lập Michaela, nơi được điều hành bởi Hiệu trưởng Katharine Birbalsingh - người được mệnh danh là "hiệu trưởng nghiêm khắc nhất nước Anh", có lẽ là ví dụ thực tế nhất.

Ở đây, việc đi vệ sinh theo thời gian biểu chỉ là một trong nhiều quy tắc không khoan nhượng. Những người ủng hộ cho rằng những quy định đó giúp đảm bảo kết quả xuất sắc của trường.

TS Charlotte Haines Lyon, giảng viên cao cấp về giáo dục tại Đại học York St John (Anh), nhận định đã có một xu hướng chung trong các trường.

“Ngày càng có nhiều trường học tuân theo phương pháp giáo dục nghiêm ngặt. Phương châm tuyệt đối không khoan nhượng của người Mỹ đã xuất hiện ở nước Anh”, TS Lyon nói và nhận định xu hướng này đã diễn ra trong 5-6 năm qua, bao gồm cả các hình phạt khắc nghiệt hơn với những lỗi nhỏ như quên bút.

Và, góc cuối cùng không được kiểm soát của trường học là nhà vệ sinh cũng được thiết lập chính sách.

Ông Jon Boyes, Hiệu trưởng trường Trung học Herne Bay ở Kent, cho biết các trường học thất vọng và rất khó để quản lý những thứ như học sinh hút thuốc trong nhà vệ sinh.

“Nếu trẻ em có điện thoại ở trường, khả năng cao chúng sẽ sử dụng lén lút trong nhà vệ sinh, hoặc ở bất kỳ nơi nào mà chúng không thể bị nhìn thấy. Nhà trường không thể kiểm soát được nó”, ông Boyes nói.

Vì vậy, để duy trì kỷ luật, đảm bảo an toàn và ngăn chặn bắt nạt, nhiều trường đã ra quy định liên quan đến nhà vệ sinh.

Một số trường lắp đặt camera giám sát ở khu vực bên ngoài. Một số khác yêu cầu nữ sinh phải nhận được sự cho phép từ giáo viên mới được đi vệ sinh.

Trong khi đó, tại trường Christopher Whitehead Language College ở Worcester, những chiếc gương đã bị loại bỏ khỏi nhà vệ sinh nữ. Nhà trường cho rằng nó đã bị sử dụng sai mục đích trong một thời gian dài.

“Điều mà các trường đang cố gắng thực hiện là đặt mọi thứ vào vị trí gần với ranh giới của những gì học sinh muốn làm", Hiệu trưởng Boyes nói.

Tuy nhiên, theo Telegraph, việc học sinh bức xúc, phá đổ hàng rào, lật bàn... không chỉ thể hiện từ sự tức giận mà còn cho thấy những thứ thế hệ trước không có, bao gồm điện thoại di động để truyền bá thông tin, tự do ngôn luận để nói lên cảm giác thất vọng của chúng.

“Những người trẻ tuổi nhận thức rõ hơn về quyền con người của họ và các vấn đề như bản dạng giới. Hiện tại, họ đã có một nền tảng để được lắng nghe", Hiệu trưởng Jon Boyes nói.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Boyes cho rằng nhà vệ sinh được giữ sạch sẽ, các thiết bị vệ sinh được thiết kế tốt có thể hữu ích. Điều quan trọng, các trường cần tìm cách để cân bằng kỷ luật và sự đồng tình của học sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh Anh biểu tình chống lệnh cấm đi vệ sinh