Học sinh cùng cha mẹ tham dự buổi họp phụ huynh: Sáng tạo và chủ động

19/01/2024, 12:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để đổi mới hình thức họp phụ huynh, nhiều nhà trường đã sáng tạo để học sinh và cha mẹ cùng tham gia với nhiều hoạt động sôi nổi.

Hiện nhiều trường học đã tổ chức họp phụ huynh để sơ kết học kỳ 1 năm học 2023-2024 và bước sang học kỳ 2.

Phát huy tính chủ động của học sinh

Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) cho hay, nhà trường đã chủ động triển khai xây dựng hồ sơ học tập học sinh nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động của các em.

Ở môn học Kĩ năng sống, thầy cô sử dụng bộ tài liệu “Khám phá người lãnh đạo trong tôi” với phương châm nhằm khơi gợi tiềm năng trong mỗi đứa trẻ, tạo dựng môi trường giáo dục luôn khuyến khích học sinh tự tin thể hiện trách nhiệm bản thân. Từ đó, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân các em để hội nhập quốc tế.

Cũng theo cô Hường, buổi họp phụ huynh sơ kết học kì 1 vừa qua, cô và trò các lớp háo hức trang trí lớp học chuẩn bị đón cha mẹ đến thăm lớp học. Tại đây, ban văn nghệ của lớp chuẩn bị một tiết mục khởi động và mời các phụ huynh cùng tham gia.

Buổi họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng có sự đồng hành của bố mẹ và các em học sinh.
Buổi họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng có sự đồng hành của bố mẹ và các em học sinh.

Các em được lắng nghe ban cán sự lớp báo cáo tình hình học tập và rèn luyện của lớp trong kì học vừa qua. Sau đó, mỗi em sẽ tự giới thiệu hồ sơ học tập cũng như kết quả cuối học kì 1 của mình với cha mẹ. Không khí buổi họp thân thiện, cởi mở, không áp lực, căng thẳng.

Thay cho bảng điểm, phụ huynh sẽ nhận được những tấm thiệp xinh xắn kèm nhiều lời nhắn nhủ, động viên khích lệ của giáo viên gửi đến học sinh. Mỗi lời nhận xét đó sẽ ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực trong cả chặng được học tập vừa qua để các em tự tin vững bước trong học kì sắp tới.

"Ngoài ra, cô giáo còn chuẩn bị trò chơi gắn kết gia đình, cha mẹ tham gia chơi cùng con qua ứng dụng Quizizz rất sôi nổi. Dự họp, phụ huynh cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng, gần gũi mà không nặng nề thành tích hay so sánh giữa các học sinh với nhau”, cô Lê Thị Thu Hường nói.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Khấu Ly (Trạm Tấu, Yên Bái) có 960 học sinh ở 27 lớp. Cô Nguyễn Thanh Huệ - Hiệu trưởng cho biết, nhà trường luôn tạo một môi trường học tập vui vẻ, thoải mái cho học sinh.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Khấu Ly trong một hoạt động tập thể.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Khấu Ly trong một hoạt động tập thể.

Đồng thời chú trọng xây dựng và đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo sự thân thiện cho thầy trò trong từng tiết học; tăng cường đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá mức độ nhận biết của học sinh qua các hoạt động.

Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích học sinh tham gia các sân chơi như Trạng Nguyên Tiếng Việt, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngày hội STEM… để phát huy tính sáng tạo của mình dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của các em, không gây áp lực hay gò bó các em.

Cô Nguyễn Thanh Huệ trao đổi thêm, 100% học sinh của trường là người Mông, khoảng 70% người dân thuộc hộ nghèo nên đời sống còn nhiều khó khăn, chưa có sự quan tâm thấu đáo đến việc học hành của con cái.

Bên cạnh việc giáo dục học sinh, giáo viên còn tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia các hoạt động giáo dục cùng con em họ. Khi kết thúc học kỳ hay cuối năm học, nhà trường không đặt nặng vấn đề điểm số của học sinh mà tăng cường giáo dục đạo đức, kiến thức cơ bản để các em duy trì ý thức chuyên cần.

Cần tôn trọng suy nghĩ của học sinh

Học sinh Trường THCS Chương Dương và phụ huynh trong buổi đối thoại với Hiệu trưởng.
Học sinh Trường THCS Chương Dương và phụ huynh trong buổi đối thoại với Hiệu trưởng.

Là một trường nội thành Hà Nội với 1.050 học sinh, Trường THCS Chương Dương – quận Hoàn Kiếm không tổ chức sơ kết, khen thưởng học kỳ 1 chung toàn trường. Mỗi lớp sẽ tự sơ kết và liên hoan cuối học kỳ để cô trò cùng nhau được vui vẻ, không so bì giữa em này với em khác về thành tích học tập.

Khi họp phụ huynh, mọi người sẽ cùng điểm lại những hoạt động của trường, lớp đã tham gia. Thầy cô sẽ lắng nghe những chia sẻ, góp ý của phụ huynh để tăng cường sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong quản lý, giáo dục con cái.

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, ở lứa tuổi THCS, học sinh đang có những thay đổi lớn về tâm sinh lý. Do đó, khi họp phụ huynh thầy cô động viên học sinh là chính, tuyệt đối không chì chiết, phê bình nặng nề.

Với những em ý thức học tập chưa cao cũng sẽ nhắc nhở nhẹ nhàng để học trò tiến bộ. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cần tìm ra những điểm mạnh, sở trường của mỗi học trò để phối hợp với phụ huynh khích lệ các em cố gắng hơn trong học tập và rèn luyện.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, việc họp phụ huynh vẫn năng về điểm số của học sinh là một thực tế đang diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông.

Có không ít em sợ, thậm chí ghét họp phụ huynh vì thầy cô sẽ công bố điểm thi đua của mình trước lớp. Những em điểm thấp sẽ cảm thấy bị tự ti, xấu hổ với các bạn xung quanh. Nhiều phụ huynh có tâm lý đem con mình so sánh với “con nhà người ta” dẫn đến áp lực tâm lý không đáng có cho học sinh.

Mục tiêu Chương trình GDPT 2018 là chú trọng đến việc phát triển năng lực của người học. Do đó, quá trình học tập trong việc sơ kết cần để học sinh tự đánh giá bản thân theo các chuẩn đầu ra của từng môn học/hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, ở nhiều trường vẫn nặng về thành tích, điểm số để phục vụ cho mục đích “làm đẹp” học bạ, dẫn tới việc không phản ánh đúng thực chất của học sinh. Câu chuyện về một lớp phổ thông 43 học sinh nhưng có tới 40 em được xếp loại học lực giỏi, 3 bạn học khá hoàn toàn có thể giải thích được.

Khi học sinh tự chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của nhau thì thầy cô cần hướng dẫn các em lập kế hoạch cùng giải pháp cụ thể để phát triển phẩm chất, năng lực của các em.

"Trong một lớp học, chúng ta đừng chỉ nhìn vào điểm số để phán xét học sinh mà hãy nhìn vào năng lực tư duy của từng em để động viên các em. Có thể kết quả bài toán đó chưa đúng nhưng em đó lại có cách giải sáng tạo thì giáo viên cũng cần có hình thức khích lệ, ghi nhận phù hợp. Tóm lại, điểm số chỉ là một trong nhiều yếu tố để đánh giá học sinh, cha mẹ và thầy cô không nên đặt nặng điều này lên đầu học trò”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh cùng cha mẹ tham dự buổi họp phụ huynh: Sáng tạo và chủ động