Sản phẩm mô phỏng hoạt động của tim và đường đi của máu trong hệ tuần hoàn kép ở thú giúp cho các bạn trong lớp dễ hiểu về hoạt động của hệ tuần hoàn. Điều này giúp các bạn vận dụng giải thích các bệnh liên quan đến hoạt động của tim, mạch. Qua hình ảnh trực quan sinh động, các bạn sẽ dễ hình dung bài học hơn, đồng thời tạo hứng thú, thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học.
Cuộc thi STEAM là cơ hội để học sinh "toả sáng" với đam mê. |
Cô Đỗ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Hoá Sinh chia sẻ, qua kiến thức bài học môn Sinh học lớp 11 cô đã gợi ý học sinh tìm hiểu mô phỏng sơ đồ hệ tuần hoàn kép ở thú. Hiệp và Đạt rất đam mê sáng tạo. 2 em tự tay chọn đồ, mua mô tơ để làm sản phẩm. Hình ảnh rất sinh động với nhịp đập của tim, đường đi của máu. Từ sản phẩm thực tế, học sinh thấy được hệ tuần hoàn ở người.
Đỗ Ngọc Minh Triết, học sinh lớp 10C3 đam mê với sản phẩm Máy vẽ và Máy kí. Triết cho rằng, qua kiến thức môn Vật Lý và Tin học em muốn sáng tạo ra một sản phẩm được lập trình trên hệ thống phần mềm máy tính giúp con người tiết kiệm thời gian, sức lao động và thuận tiện trong công việc.
Ý tưởng của Triết được thầy giáo Trần Văn Hoà, giáo viên Vật Lý đồng tình và hướng dẫn em từng bước thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các bạn Khoa Phương Anh và Đào Nguyễn Quang Minh là 2 cộng sự đắc lực. 2 em đã cùng Triết bàn bạc cách làm và tìm các thiết bị để thực hiện dự án.
Đỗ Ngọc Minh Triết, học sinh lớp 10C3 đam mê với sản phẩm Máy vẽ và Máy kí. |
"Chiếc máy vẽ của em có nhiều chức năng, chẳng hạn em muốn vẽ hình ảnh của mình thì có thể in hình ảnh vào phần mềm và bấm lệnh, máy sẽ in cho hình ảnh như mong muốn. Dù hiện nay đã có chữ kí số nhưng máy kí do em sáng chế sẽ giúp con người kí những văn bản đặc biệt khi ở xa", Triết cho hay.
Cũng như các bạn, Triết tận dụng tối đa đồ tái chế để sáng tạo ra sản phẩm. Những thiết bị không thể tận dụng em nhờ thầy mua giúp.
Triết cho rằng, việc tạo ra các sản phẩm Steam không chỉ giúp em thực hành các kiến thức đã được học mà còn giúp em thực hiện đam mê, sáng tạo và tăng tính đoàn kết trong tập thể lớp.
Thầy Trần Văn Hoà, giáo viên môn Vật Lý chia sẻ, từ ý tưởng sáng tạo của các em, thầy giáo định hướng và chia sẻ các bước kĩ thuật để trò tính toán và lắp ráp nên sản phẩm. Ban đầu các em làm mô hình sản phẩm mi ni, khi thành công, được sự động viên của thầy các em đã làm ra sản phẩm máy vẽ to. Tuy sản phẩm còn thô sơ, nhưng đó là ý tưởng khởi đầu tốt đẹp thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của học trò.