Về kỹ thuật, khi đầm da ruộng muối, em Hoàng Nam cho biết, robot sẽ được điều khiển bơm nước vào các bánh xe (hàn bằng inox bên trong rỗng) trọng lượng tăng lên 70 kg. Với trọng lượng này sẽ dễ dàng đầm, làm phẳng da nền của ruộng muối.
Khi không đầm da ruộng muối thì phần mềm sẽ điều khiển để bơm nước ra khỏi các bánh xe, trọng lượng robot giảm xuống khoảng 30kg, giúp diêm dân có thể dễ dàng di chuyển giữa các ruộng muối hoặc bảo quản…
Robot được điều khiển thông qua phần mềm một piston điện 12V. Khi cần cào muối, phần mềm điều khiển bộ phận cào hạ thấp, khi không cào muối thì nâng bộ phận cào lên để thuận tiện cho quá trình di chuyển. Ngoài ra, robot được gắn bộ điều tốc lên đến 400W để thay đổi tốc độ khi đầm da ruộng muối hoặc cào muối dễ dàng thông qua phần mềm điều khiển.
Hệ thống lái của robot được điều khiển thông qua một piston điện và mô-đun điều khiển động cơ nên tính chính xác và ổn định cao. Robot còn trang bị một cảm biến vật cản hồng ngoại, khi gặp vật cản, robot tự động chuyển hệ thống đèn tín hiệu từ đèn LED xanh, sang đèn LED đỏ và phát âm thanh bằng còi, báo động cho người sử dụng biết...
Theo em Võ Huỳnh Hoàng Nam, hiện diệm dân ở Tuyết Diêm và Lệ Uyên thì vẫn dùng phương pháp đầm da ruộng muối thủ công truyền thống. Họ dùng dụng cụ làm từ thanh gỗ lớn, có cán cầm (cây đầm), tận dụng trọng lực của cây đầm để làm cho đất nền ruộng muối cứng, bằng phẳng.
Để đầm được một ô ruộng đạt yêu cầu, người dân phải mất đến nhiều giờ, thậm chí là nhiều buổi để đầm đi đầm lại… Đến khâu thu hoạch, bà con thường dùng dụng cụ cào muối (cái trang muối), bàn cào bằng gỗ có gắn cán bằng tre dài 5 - 7m, người dân đứng trên bờ ruộng muối, dùng sức để đẩy muối lại thành từng đống, tốn rất nhiều sức lực và thời gian.
Nhóm hy vọng sản phẩm sẽ sớm được hoàn thiện để trở thành công cụ trợ giúp người nông dân sản xuất muối dễ dàng nhất.