Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến kiểm tra tại Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). |
Để tổ chức khảo sát, cụm trường THPT Ba Đình - Tây Hồ đã họp, thống nhất kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tổ chức in sao đề kiểm tra. Tinh thần được quán triệt tới tất cả các thành viên làm nhiệm vụ tại các nhà trường là bảo đảm tổ chức kiểm tra nghiêm túc, khách quan.
Kết quả của đợt khảo sát sẽ phản ánh thực chất chất lượng dạy, học, tránh tâm lý chủ quan của học sinh, nhất là với các em có học lực tốt, hoặc đã tham gia và có nhiều khả năng trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm (bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) ở các trường đại học.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố không chỉ giúp các nhà trường nắm được tình hình học tập của học sinh đơn vị mình so với mặt bằng chung, mà còn là dịp để học sinh có những trải nghiệm tương tự như khi tham dự kỳ thi thật.
Học sinh phải chấp hành các quy định tương tự như tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, từ việc ngồi theo số báo danh, khoảng cách trong phòng thi, các vật dụng được mang vào phòng... Căn cứ kết quả khảo sát, các nhà trường sẽ có các giải pháp để tổ chức ôn tập cho phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, bảo đảm sử dụng hiệu quả thời gian còn lại của năm học để học sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.
Đề kiểm tra khảo sát do Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng theo ma trận được Bộ GD&ĐT quy định. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tổ chức kiểm tra khảo sát theo đề chung, chung thời gian như trên nhằm đánh giá chất lượng giáo dục đối với học sinh cuối cấp THPT. Từ kết quả này, các nhà trường, giáo viên và mỗi học sinh có sự điều chỉnh cần thiết trong việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.