“Theo tìm hiểu của em thì trên thế giới chưa có ai ứng dụng phương pháp cáp treo di động này vào việc phun thuốc bảo vệ thực vật, phun sương, tưới cây... Rất có thể đây sẽ là một trong những sản phẩm đầu tiên ứng dụng phương pháp cáp treo vào nông nghiệp”, Trung chia sẻ.
Hệ thống có thể áp dụng ở mọi địa hình, diện tích, song theo Trung thì phù hợp nhất là những vườn rộng, có diện tích lớn, cánh đồng trải dài. Người nông dân thay vì phải vác trên vai bình bơm thuốc rất nặng, hít phải thuốc trong quá trình bơm thì chỉ cần lắp đặt hệ thống là xong.
Đóng 2 cọc ở hai đầu (cọc bằng ống thép hộp nên việc đóng và rút cọc đơn giản mà vẫn chắc chắn. Chỉ cần kéo dây cáp, lắp cần phun, kết nối dây nước, bật động cơ… là máy sẽ tự phun.
“Thay vì phải vác một bình phun thuốc trên người sau đó lội hết ruộng này sang ruộng kia, hay nếu phải bỏ ra một số tiền lớn để mua hoặc thuê các thiết bị phun thuốc phổ biến thì bây giờ chỉ cần bỏ ra một chi phí thấp hơn mà lại có một thiết bị cho ra năng suất phun cao. Đồng thời cũng có thể thay đổi theo nhu cầu của người sử dụng”, em Đinh Văn Trung chia sẻ.
Nghiên cứu này xuất phát từ việc nhìn thấy những người nông dân quê em vẫn đeo những bình thuốc trừ sâu nặng trĩu trên vai để phun cho các ruộng lúa. Thời gian phun rất chậm và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Trung hy vọng sáng tạo này của mình sẽ được doanh nghiệp quan tâm đầu tư để triển khai rộng rãi ở các vùng nông thôn, trang trại.
Theo PGS.TS Mai Anh Tuấn, giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là một sáng tạo rất đáng khích lệ. Dù tuổi còn nhỏ song tác giả đầy sáng tạo với việc tìm kiếm giải pháp giải bài toán từ chính thực tế cuộc sống.
Tuy vậy, thiết kế hệ thống giàn treo thực tế hơn, kỹ thuật vận hành cáp và hướng phát triển cần được hoàn thiện để bà con nông dân có thể tiếp cận được nếu đem sử dụng tại các cánh đồng rộng lớn.