Nếu phụ huynh không đồng cảm và chia sẻ với con trong giai đoạn này, nhiều học sinh sẽ rơi vào trạng thái tiêu cực.
Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 vào chiều 3-7, nhiều học sinh vui mừng vì đậu vào trường THPT công lập, một số trường hợp khóc ròng vì trượt cả 3 nguyện vọng.
Sợ mất mặt với dòng họ
Nửa đêm, em P.A. đăng bài viết vào một nhóm cộng đồng trên Facebook với dòng tâm sự: "Em đâu muốn bản thân mình rớt THPT như vậy. Sao mẹ cứ chửi em như vậy nhỉ? Em ăn cơm không nổi luôn"
Phía dưới bài đăng, nhiều học sinh cho biết cũng đang rơi vào tình trạng tương tự, gia đình "bất ổn" ngay sau khi biết điểm chuẩn.
Không tìm được người chia sẻ, nhiều học sinh phải lên mạng để tâm sự
Nhiều bài đăng được chia sẻ trong các hội nhóm
Em Q.M. tâm sự cả đêm không ngủ được, cha mẹ sợ mất mặt với dòng họ nên muốn M. ôn thi lại vào năm sau. Gia đình không chấp nhận có con rớt THPT công lập. M. đã ra sức thuyết phục nhưng đành bất lực vì không tìm được tiếng nói chung.
"Trước khi thi, cha mẹ vẫn nói sẽ ủng hộ toàn bộ quyết định của em nhưng đến khi có điểm chuẩn thì lại không chấp nhận. Em cũng dự đoán mình sẽ không đậu vào THPT với mức điểm này, nếu hạ nguyện vọng thấp hơn thì có thể đậu" – M. bộc bạch.
Kỳ thi tuyển sinh THPT là cột mốc quan trọng với học sinh lớp 9, tuy nhiên đây không phải là cánh cổng duy nhất quyết định tương lai của các con.
Thầy Nguyễn Phúc Huy Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), cho biết ngoài học công lập vẫn còn nhiều hướng đi khác cho các em. Ví dụ như học trường THPT tư thục, học trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên,… tùy vào kinh tế gia đình và định hướng nghề nghiệp mà học sinh có lựa chọn phù hợp. Đặc biệt, những hướng rẽ này hoàn toàn có thể liên thông lên cao đẳng, đại học.
Cần cài đặt lại tư duy
Chia sẻ với phóng viên sáng 4-7, ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (quận 10), cho biết phụ huynh ngày này đã cởi mở hơn với giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp thành kiến.
"Chúng ta không thể bắt con trẻ khoác chung màu áo đồng phục, bởi lẽ mỗi đứa trẻ đều là một bản ngã riêng. Ở độ tuổi 15, 16, các con còn quá nhỏ để học cách trưởng thành, phụ huynh phải là người bạn đồng hành với các con. Mỗi sự lựa chọn, dù đúng hay sai thì các con vẫn cần có cha mẹ ở bên" – ThS Phương nhắn nhủ.
Nền tảng gia đình là điều rất quan trọng. Cha mẹ tâm lý thì con cái cũng sẽ thoải mái tinh thần hơn. Rất nhiều trường hợp học sinh suy nghĩ tiêu cực vì áp lực gia đình, sự kỳ vọng của cha mẹ quá lớn.
Chuyên gia tâm lý, TS Đào Lê Hòa An, cho rằng phụ huynh nên nhìn xa và rộng hơn, thay vì có bó mình trong suy nghĩ phải đậu THPT công lập thì con mới thành công.
Chia sẻ về những trường hợp học sinh rớt 3 nguyện vọng, TS Hòa An cho biết chính bản thân phụ huynh đang không chấp nhận, tự ép mình vào quy chuẩn chung của xã hội như sợ mất mặt với bạn bè, dòng họ; sợ con không có tương lai...
"Dĩ nhiên vào THPT công lập là tốt nhưng điều này không có nghĩa là con hết tương lai. Đây cũng chỉ là một cuộc thi. Điều quan trọng là con mình đã nỗ lực vượt qua kỳ thì quan trọng này, cha mẹ cần công nhận nỗ lực đó của con thay vì cứ than phiền, trách móc" – TS An nhấn mạnh
Tâm lý học sinh giai đoạn này rất quan trọng, phụ huynh cần phải đồng hành cùng con
Chuyên gia tâm lý cho rằng hành trình học tập và "nâng cấp" bản thân là hành trình suốt đời, không vì bất kỳ cuộc thi nào mà bị gián đoạn hay mất cơ hội. Giai đoạn này, việc định hướng nghề nghiệp và lựa chọn hướng là điều quan trọng. Nếu nhìn xa hơn, "mẫu số chung" của tất cả học sinh chính là trưởng thành, sống tự lập với nghề yêu thích. Vì vậy, phụ huynh cần "cài đặt" lại suy nghĩ để giúp con có những lựa chọn đúng đắn hơn.