“Có thể nói, việc học tập trên hệ thống LMS đã đạt được mục tiêu kép, vừa nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; vừa giúp cho giáo viên phổ thông nâng cao được năng lực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn nghề nghiệp” - ông Đặng Văn Huấn nhận định.
Chia sẻ của thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, (quận Cái Răng, Cần Thơ), lần đầu tham gia bồi dưỡng qua Hệ thống LMS có bỡ ngỡ vì trước đó chưa từng được học qua hệ thống online chuyên nghiệp như vậy. Nhưng khó khăn này nhanh chóng được khắc phục với sự hỗ trợ nhiệt tình từ giảng viên sư phạm. Thầy Thiên cho rằng, thầy cô luôn phải cập nhật kiến thức mới và không ngừng tự học, nên công nghệ thông tin vô cùng quan trọng. “Hệ thống LMS giúp tôi học hỏi thêm được rất nhiều, đồng thời tạo động lực cho bản thân trong việc tìm tòi, nâng cao năng lực công nghệ thông tin trong dạy học” - thầy Trang Minh Thiên cho hay.
Năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm được nâng cao rõ rệt
Với Chương trình ETEP, lần đầu tiên giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục tham gia bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình ETEP đã nâng cao năng lực và thay đổi tư duy của đội ngũ giảng viên chủ chốt và các trường đại học sư phạm trong phát triển tài liệu bồi dưỡng thường xuyên theo định hướng phát triển năng lực và điều phối việc cung cấp các chương trình bồi dưỡng thường xuyên trên quy mô quốc gia với nhiều bên liên quan tham gia.
Năng lực của đội ngũ giảng viên sư phạm được nâng cao rõ rệt, không chỉ trong bồi dưỡng giáo viên mà cả trong đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, với thực tiễn nhà trường. Năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, năng lực xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng; năng lực tổ chức bồi dưỡng giáo viên của giảng viêng đã được nâng cao.
Đặc biệt trong những đợt dịch Covid-19, các giảng viên sư phạm tham gia biên soạn, chuẩn bị các bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức các lớp bồi dưỡng đội ngũ cốt cán trực tuyến qua lớp học ảo. Vì thế, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên được tăng cường.
Giảng viên có thêm nhiều kĩ năng để tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên cũng như kĩ năng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo. Nhờ đó, các hoạt động hỗ trợ người học được tổ chức thường xuyên liên tục, linh hoạt. Điều này có tác động tích cực và lâu dài đối với tiến trình đào tạo giáo viên cũng như công tác hỗ trợ, bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: Chương trình ETEP có rất nhiều tác động tích cực tới nhà trường. Trường được đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; được nâng cấp toàn bộ hệ thống máy chủ, đường truyền, hệ thống đường truyền đáp ứng được công tác đào tạo trực tuyến. Đây là sự đầu tư rất kịp thời, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng được đầu tư các studio, xây dựng học liệu. Đây là hạng mục có giá trị và phát huy tác dụng tức thì. Theo đó, nhà trường đã thực hiện chuỗi tư vấn trực tuyến, livestream kết nối đồng hành với giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Các hạng mục này đồng thời giúp nhà trường tăng cường sản xuất học liệu, ghi hình để thực hiện các buổi giảng dạy, xây dựng nguồn học liệu cho LMS…
Trong lĩnh vực tăng cường năng lực cho giảng viên sư phạm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền khẳng đinh, thầy cô đã được trải qua quy trình phát triển tài liệu, từ đó năng lực đã được nâng cao lên rất nhiều.
Tại tọa đàm, các ý kiến chia sẻ xoay quanh lợi thế của việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển nghề nghiệp giáo viên;bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp trênHệ thống trực tuyến (LMS) và đánh giá theo chuẩn trênHệ thống TEMIS; những điểm cần tháo gỡ để thầy cô tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển chuyênmôn nghiệp vụtrong thời gian tới.