Giáo dục

Học thêm sau Thông tư 29: Chi phí tăng, phụ huynh thêm gánh nặng

Minh Ngọc 09/04/2025 08:55

Thông tư 29/2024/TT-BGDT quy định về việc dạy thêm, học thêm đã thực hiện được 2 tháng. Một số bất cập đã được ghi nhận trong quá trình triển khai, đặc biệt liên quan đến vấn đề học thêm – dạy thêm. Trong khi mục tiêu của Thông tư là xây dựng một môi trường giáo dục công bằng, giảm gánh nặng tài chính cho người học, thì trên thực tế, nhiều phụ huynh phản ánh chi phí cho con em học thêm hiện tại lại cao hơn trước.

Sau gần hai tháng kể từ khi quy định mới về quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều phụ huynh cho biết chi phí để cho con em theo học ngoài giờ chính khóa đang có xu hướng tăng lên. Việc không được tổ chức dạy thêm trong trường khiến nhiều học sinh phải chuyển sang các trung tâm bên ngoài, nơi mức học phí thường cao hơn đáng kể.

18-1789-8994-3651.png
Học thêm và dạy thêm vẫn là nỗi lo của mỗi bậc phụ huynh - Hình ảnh minh họa: Giáo dục Việt Nam

Không ít phụ huynh phản ánh, nếu trước đây học thêm tại trường với mức phí dao động từ 20.000 – 30.000 đồng mỗi buổi, thì nay khi ra trung tâm, con số này có thể lên tới 50.000 – 70.000 đồng. Dù nhu cầu bổ trợ kiến thức là có thật, nhưng việc chuyển đổi hình thức học thêm khiến nhiều gia đình chịu thêm gánh nặng tài chính, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng tình trạng trên là hệ quả đã được dự báo từ khi lấy ý kiến về Thông tư 29. Theo ông, tư duy học để thi và áp lực từ các kỳ tuyển sinh vẫn là những yếu tố khiến phụ huynh cảm thấy không yên tâm nếu con em không học thêm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu cơ chế quản lý minh bạch về học phí và chất lượng tại các trung tâm học thêm.

4412_thu-pham-dam-o-tre-em-khong-chi-la-nhung-ke-co-dien-mao-bat-hao-1.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội)

"Thông tư hướng đến mục tiêu đúng đắn, nhưng muốn triển khai hiệu quả thì cần đi kèm với hệ thống chính sách đồng bộ. Trong ngắn hạn, có thể cân nhắc quy định trần học phí dạy thêm, đồng thời yêu cầu các trung tâm công khai, minh bạch phí đào tạo", ông Nam đề xuất. Ông cũng nhấn mạnh đến giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa, đồng thời số hóa bài giảng để hỗ trợ học sinh có nhu cầu học lại, giảm phụ thuộc vào học thêm.

Ở góc nhìn khác, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) – cho rằng việc học phí tại các trung tâm cao hơn là điều dễ hiểu vì họ phải chi trả nhiều khoản như thuê mặt bằng, thuế, chi phí vận hành,... Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các địa phương cần vào cuộc để kiểm soát mức thu, có thể thông qua quy định trần học phí hoặc hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trung tâm cam kết mức học phí hợp lý.

Theo TS Vinh, bản chất của việc học thêm không dễ loại bỏ hoàn toàn, bởi nhu cầu xuất phát từ thực tiễn như áp lực thi cử, sự thiếu hụt trường lớp công lập, hay mong muốn vào các trường chuyên, lớp chọn. Do đó, ông cho rằng việc điều tiết thị trường học thêm, cùng với việc cải thiện chất lượng giáo dục chính khóa, sẽ là giải pháp căn cơ và bền vững hơn trong dài hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học thêm sau Thông tư 29: Chi phí tăng, phụ huynh thêm gánh nặng