‘Học thông qua chơi’: Cầu nối hạnh phúc cho cô trò tiểu học

PV | 12/10/2023, 17:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Phạm Thu Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/4 trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP.HCM), đã thành công áp dụng Học thông qua Chơi (HTQC) cho mọi môn học.

Kết thúc năm học 2022-2023, cô Phạm Thu Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/4 trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP.HCM), đã thành công áp dụng Học thông qua Chơi (HTQC) cho mọi môn học. Từ đó góp phần tạo tiền đề cho học sinh bước vào lớp 4 - giai đoạn được xem là “cột mốc vàng” trong bậc tiểu học.

Với các giáo viên tiểu học, việc giảng dạy nhiều bộ môn khác nhau ít nhiều mang lại những thách thức nhất định, đơn cử như “Làm sao để môn nào các em cũng hứng thú và tập trung?”.

Nhờ tham dự buổi tập huấn thông qua dự án Lồng ghép HTQC trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam và tham khảo Bộ tài liệu Hướng dẫn áp dụng HTQC, cô Phạm Thu Vui - giáo viên chủ nhiệm lớp 3/4 trường tiểu học Nguyễn Thị Định đã thành công đạt được phương châm giảng dạy: Giúp các em “tiếp thu nhanh - hiểu bài sâu - nhớ bài lâu" cho mọi môn học.

Mỗi môn học một màu sắc

Cô Thu Vui chia sẻ, thời gian đầu áp dụng HTQC, cả cô và trò chưa hiểu ý nhau nên đôi khi vẫn còn lúng túng. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và tích cực tương tác ở cả 2 phía, lớp 3/4 đã thu về những trái ngọt khi 100% học sinh của lớp cải thiện thành tích học tập vượt trội so với trước đây.

Bắt đầu từ 1 môn học, rồi đến 2 môn học và sau đó là lần lượt áp dụng cho mọi môn trên lớp, HTQC đã dần trở thành một yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển của các em.

Ở mỗi môn học, cô Vui linh hoạt lồng ghép HTQC theo cách thức khác nhau, phù hợp với tính chất của môn học đó. Chẳng hạn như trong tiết nói và nghe bài “Sự tích hoa mào gà" của môn Tiếng Việt, cô cho các em tham gia hoạt động đóng vai và kể lại câu chuyện theo nhóm.

Thông qua hoạt động này, các em sẽ được phát triển khả năng làm việc tập thể, sáng tạo để thể hiện tính cách của nhân vật mình được giao, đồng thời tiếp thu bài giảng một cách chủ động và sâu sắc nhất.

h1.jpg

Một tiết học có áp dụng HTQC của cô Phạm Thu Vui cùng học sinh.

Riêng với bộ môn Toán, so với kiến thức ở lớp 1 và 2, toán lớp 3 đã có độ khó khác biệt. Hơn nữa, vững vàng kiến thức toán lớp 3 sẽ giúp các em có được nền tảng tốt cho lớp 4 - năm học hội tụ những kiến thức toán trọng tâm của bậc tiểu học.

Hiểu được tầm quan trọng đó, cô giáo đã nỗ lực lồng ghép HTQC để các em tiếp cận kiến thức hiệu quả. Một trong những hoạt động mà lớp 3/4 thích nhất khi học môn Toán là trò chơi truyền điện.

Theo đó, các em sẽ lần lượt đố nhau những phép toán, sau đó phản xạ nhanh để đưa ra đáp án chính xác. Em sau phải tập trung lắng nghe em trước để không lặp lại phép toán đã được hỏi. Kết thúc hoạt động này, cả lớp sẽ có một loạt ví dụ để hiểu bài vững hơn.

Môn Tự nhiên và Xã hội cũng được cô Thu Vui “biến tấu” theo một màu sắc rất riêng. Cô cho biết: “Tôi thiết kế bài học "Các bộ phận của hoa" thông qua trò chơi tiếp sức theo nhóm.

Nhiệm vụ của cả lớp là phải điền đúng tên các bộ phận của hoa. Với luật chơi yêu cầu độ chính xác cao, các em không chỉ quan tâm việc mình điền đúng hay không mà còn đảm bảo những bạn cùng đội cũng trả lời chính xác. Nhìn các em tương tác vui vẻ và biết quan tâm lẫn nhau, tôi cảm thấy rất tự hào”.

Hạnh phúc vì các em tốt hơn mỗi ngày

Bên cạnh việc áp dụng HTQC trên lớp, cô Vui cùng tập thể nhà trường Nguyễn Thị Định cũng tích cực khuyến khích học sinh cùng gia đình tham gia Ngày hội HTQC do nhà trường tổ chức với mong muốn HTQC sẽ được áp dụng thường xuyên ngay tại nhà.

Em Gia Hân, học sinh lớp 3/4 hào hứng chia sẻ: “Em rất vui vì không chỉ các giờ HTQC trên lớp mà Ngày hội HTQC đã cho em thỏa thích trải nghiệm nhiều điều mới lạ”.

h2.png

Gia Hân (học sinh lớp 3/4 trường Nguyễn Thị Định) rất hào hứng với Ngày hội HTQC tại trường (NH 2022-2023)

Cô Thu Vui cũng nhấn mạnh mục tiêu trong năm học 2023-2024 là tiếp tục hoàn thiện và lan tỏa rộng rãi HTQC đến cha mẹ học sinh. “Thấy con phát triển vui vẻ, cha mẹ an tâm và tin tưởng khi đưa con đến trường. Cùng với đó là cảm giác hạnh phúc khi con chủ động hoàn thành nhiệm vụ học tập mà không đợi nhắc nhở. Từ những biểu hiện tích cực ấy, cha mẹ và nhà trường càng có thêm động lực để song hành, đồng lòng giáo dục các em", cô nói.

Là giáo viên hơn 36 năm kinh nghiệm và có những phương pháp dạy học quen thuộc, cô Thu Vui vẫn không ngần ngại nâng cao nghiệp vụ giảng dạy theo hướng tiếp cận HTQC (được triển khai bởi tổ chức VVOB phối hợp cùng Bộ GD & ĐT, với sự tài trợ của Quỹ LEGO), không ngừng học hỏi đồng nghiệp để mang đến những tiết học bổ ích nhất.

Cô tin rằng, mỗi sự thay đổi nhỏ của các em: từ nhút nhát đến mạnh dạn phát biểu, từ thiếu tập trung đến chủ động xây dựng bài học - tất cả đều đáng trân quý.

Cô tâm sự: “Điều tôi hài lòng nhất sau khi áp dụng HTQC là các em tốt hơn từng ngày. Những mầm non nhỏ đã tự tin bày tỏ lòng yêu thiên nhiên, chủ động bảo vệ môi trường, biết quan tâm và chăm sóc người thân, yêu thương thầy cô bạn bè.

Để thế hệ tương lai tiếp tục phát triển toàn diện hơn, tôi hy vọng không chỉ riêng tôi mà các gia đình, giáo viên trên khắp cả nước sẽ tích cực kết nối và san sẻ kinh nghiệm giáo dục cùng nhau”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Học thông qua chơi’: Cầu nối hạnh phúc cho cô trò tiểu học