Với bài trình bày về “Giáo dục trong thế kỷ 21”, GS Sanjay Sarma - Phó Chủ tịch Trung tâm Học tập Mở, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – nhìn nhận, thế giới biến đổi không ngừng và sinh viên ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải trong tương lai.
MIT đã đưa ra cách tiếp cận đột phá trong giáo dục, sử dụng nguồn học liệu mở, dùng công nghệ để cải tiến chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm, nhằm chuẩn bị cho một tương lai hậu Covid đầy thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội cho khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.
TS Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH VinUni, cho biết, Hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học do VinUni khởi xướng, với mong muốn không những tạo ra một “sân chơi phẳng” - nơi các nhà lãnh đạo giáo dục không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác toàn cầu mà còn để thảo luận, tìm giải pháp định hình tương lai của giáo dục.
“Thông qua Hội nghị, các nhà lãnh đạo học thuật sẽ cùng cam kết hành động để tạo ra các thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục, gia tốc quá trình ươm mầm khởi nghiệp của sinh viên và rút ngắn thời gian đưa công trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống” - TS Lê Mai Lan cho hay.
Theo Ban tổ chức, các phiên làm việc tiếp theo do các chuyên gia giáo dục chủ trì với phần chia sẻ đa chiều, mang tính chuyên môn sâu. Hội nghị đề cập đến các bài học kinh nghiệm khi áp dụng phương pháp sư phạm quốc tế như: học tập theo nhóm, học tập theo dự án, học tập trải nghiệm… trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Hội nghị cũng đưa ra các xu hướng mới có tiềm năng thành công đột phá như: đưa nghiên cứu vào giảng dạy, giáo dục khởi nghiệp, trao quyền cho sinh viên, học tập tự định hướng và hệ sinh thái học tập trực tuyến.
Ngày thứ hai của hội nghị sẽ có các phiên thảo luận về Giáo dục Y khoa do GS. Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y Khoa Quốc gia và Giáo sư Maurizio Trevisan, Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe, trường ĐH VinUni chủ trì.
Điểm nhấn quan trọng của Hội nghị là Tọa đàm bàn tròn cấp cao giữa lãnh đạo các trường đại học gồm 5 nội dung lớn: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; Bình đẳng trong giáo dục; Trách nhiệm xã hội của trường đại học; Kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông; Vai trò của đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Dưới sự chứng kiến của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường đại học sẽ đưa ra tuyên bố chung về “Vai trò lãnh đạo của đại học trong thế kỷ 21” cũng như công bố chương trình hành động để đạt được mục tiêu chung. Song song với Tọa đàm là Phiên thảo luận góp ý về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập đối với các cơ sở giáo dục đại học do lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì.