Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trong xu thế hội nhập toàn cầu, hợp tác, giao lưu quốc tế là một trong những hoạt động thúc đẩy GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Do đó, ngành đã tích cực đẩy mạnh hoạt động này để các cơ sở giáo dục được tiếp cận với nền giáo dục thế giới.
Minh chứng, những năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai hiệu quả các dự án về phát triển giáo dục đào tạo, mở rộng hoạt động hợp tác, tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Sở đã đưa nhiều đoàn cán bộ quản lý, giáo viên sang học tập tại các nước và tiếp nhận giáo viên, tình nguyện viên quốc tế từ Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu.
Cùng với đó, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy Ngoại ngữ trường phổ thông theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và chuẩn IELTS quốc tế và tương đương. Tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn khoa học tự nhiên cấp trung học.
Đồng thời, phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết với các công ty, trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông và chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Tiếp tục tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ, tăng cường trao đổi giáo viên với các nước có quan hệ hợp tác với Bộ GD&ĐT và thành phố.
Có thể khẳng định, đến nay hội nhập quốc tế trở thành điểm tựa vững chắc để không ít cơ sở giáo dục phổ thông trong và ngoài công lập khẳng định chất lượng chương trình và phương pháp giảng dạy qua việc tích hợp giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam với chương trình giảng dạy của các nước tiên tiến trên thế giới.
Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế và khu vực, được xếp hạng cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA. Đây là một trong những minh chứng của sự hội nhập quốc tế hiệu quả, thành công của giáo dục phổ thông.