Doanh nghiệp bảo hiểm ước tính số tiền bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại cơn bão số 3 khoảng 9.013 tỷ đồng. Trong đó, riêng bảo hiểm PVI bồi thường hơn 3.000 tỷ đồng, nhiều nhất trong các doanh nghiệp bảo hiểm.
Báo cáo cập nhật từ doanh nghiệp bảo hiểm gửi tới Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/9, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 23 trường hợp tử vong, 6 trường hợp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 13 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe. Ước tính số tiền chi trả bồi thường cho người dân, doanh nghiệp khoảng 9.000 tỷ đồng.
Trong số doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường cho người dân, doanh nghiệp thiệt hại do cơn bão số 3, bảo hiểm PVI bồi thường số tiền lớn nhất với hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo đại diện Bảo hiểm PVI, công ty bắt đầu chi trả tạm ứng bồi thường cho những khách hàng bị tổn thất tài sản do cơn bão số 3 gây ra. Tính đến ngày 23/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người, ước tổng mức bồi thường hơn 3.000 tỷ đồng.
Nhà xưởng bị tàn phá do cơn bão số 3 đang được doanh nghiệp bảo hiểm thẩm định, bồi thường. Ảnh: PVI.
Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm nghiệp vụ tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng.
Bảo hiểm BSH ghi nhận khoảng 120 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; hơn 250 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 6 người bị mất tích.
Doanh nghiệp bảo hiểm đang huy động toàn bộ nhân lực, trực tiếp đến hiện trường xảy ra thiệt hại để hoàn tất công tác giám định tổn thất, tạm ứng bồi thường.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán đánh giá, số tiền hơn 9.000 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm cho người dân, doanh nghiệp thiệt hại do cơn bão số 3 lớn nhất từ trước tới nay. Số tiền bồi thường bảo hiểm này sẽ góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một phần phục hồi sau bão lụt.
"Số tiền bồi thường lớn sẽ tác động tới hoạt động, lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm. Về lâu dài, việc nhanh chóng thẩm định, bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giúp khách hàng có thêm niềm tin, lựa chọn mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai, hoả hoạn", ông Trần Nguyên Đán cho biết.
Trước đó, ngày 9/9, ngay sau khi cơn bão số 3 tàn phá, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường; đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Trong 9 tháng năm nay, ước tính tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước.