Hợp tác quốc tế đổi mới giáo dục đại học

Anh Tú | 26/07/2022, 11:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 25-26/7, ĐHQG TP.HCM và ĐH Indiana (Hoa Kỳ) đồng tổ chức Hội thảo Mùa hè 2022 nhằm xây dựng một cộng đồng chuyên gia giáo dục đại học lớn mạnh. Hội thảo thuộc Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

"Nếu đằng sau nền tảng của xã hội là đại học công lập thì đằng sau một đại học thành công là các giá trị cụ thể. Những giá trị đó bao gồm sự ưu tú và chính trực trong nghiên cứu và giảng dạy, tính toàn diện và đa dạng trong các cơ hội học thuật, sự tin tưởng và trách nhiệm giải trình trong quản trị điều hành. Một hệ thống trường đại học vững mạnh phải là một hệ thống được kết nối rộng khắp trên phạm vi quốc tế.

Các giá trị này được tạo dựng dựa trên các hoạt động thực tiễn ở các trường đại học. Đó là thực tiễn trong việc tìm kiếm giảng viên ưu tú và có uy tín trên cơ sở năng lực đã được chứng minh, sự tự phê bình toàn diện và liên tục với sự đổi mới chương trình đào tạo và định hướng nghiên cứu. Đặc biệt, để đạt được mọi khía cạnh trong sứ mệnh của mình là giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động cộng đồng, các hệ thống đại học, nhất là đại học công cần được coi như một hệ sinh thái "- GS Lauren Robel nhấn mạnh.

Nói về hướng đi của hệ thống GDĐH Việt Nam trong thế kỷ 21, GS Ngô Phương Lan- ĐHQG TP.HCM cho rằng thế kỷ 21 gắn với quá trình toàn cầu hóa, đối tượng thời đại ngày nay đòi hỏi nhiều hơn ở hệ thống GDĐH so với thế hệ trước kia. Đó là cơ sở vật chất học tập, không gian và môi trường học thuật, độ ngũ giảng viên chất lượng, phòng nghiên cứu hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến...

Do đó để thay đổi toàn diện thì các trường phải hướng đến sự tự chủ toàn diện. Thách thức lớn nhất của hệ thống GDĐH trong thế kỷ 21 theo GS Ngô Phương Lan chính là tính dẫn dắt của các đại học công.

Hợp tác quốc tế đổi mới giáo dục đại học ảnh 2

Quang cảnh hội thảo với nhiều đại biểu là chuyên gia hàng đầu về giáo dục đại học tại Việt Nam

Được biết, Dự án PHER kéo dài trong 5 năm với kinh phí 14,2 triệu đôla do USAID tài trợ, thông qua Trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ) thực hiện, nhằm mục tiêu xây dựng các mô hình và phương pháp tiếp cận sáng tạo, phát triển các mối quan hệ đối tác để hỗ trợ ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội và ĐH Đà Nẵng.

Dự án sẽ tập trung vào bốn trụ cột: (1) Đổi mới quản trị, (2) Nâng cao chất lượng dạy và học, (3) Nâng cao năng lực nghiên cứu, (4) Tăng cường kết nối Đại học - Doanh nghiệp.

Trong trụ cột đổi mới quản trị, PHER đem tới cơ hội tăng cường năng lực quản trị đại học cho lãnh đạo của các đại học Việt Nam.

Trụ cột nâng cao chất lượng dạy và học tập trung phát triển năng lực đội ngũ giảng viên trong việc thiết kế các khóa học hiện đại, số hóa chương trình đào tạo để giúp sinh viên mở rộng tiếp cận với nguồn tài nguyên dạy và học chất lượng cao. Đồng thời chương trình sẽ xây dựng các cộng đồng giảng viên trong nhiều lĩnh vực chuyên môn để khuyến khích hợp tác liên trường về học thuật.

Trong trụ cột nâng cao năng lực nghiên cứu, PHER giúp cải thiện năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với nhu cầu kinh tế, xã hội của đất nước thông qua các hoạt động trao đổi học giả và giảng viên, hội thảo và các khóa học ngắn hạn.

Đặc biệt, thông qua trụ cột tăng cường kết nối Đại học - Doanh nghiệp, PHER hỗ trợ các đại học xây dựng và duy trì quan hệ đối tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Dự án PHER nỗ lực để các đại học Việt Nam đạt được những thay đổi mang tính bền vững, để có thể chuyển giao hoặc nhân rộng thành mô hình và khung tham khảo cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hop-tac-quoc-te-doi-moi-giao-duc-dai-hoc-post602187.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hop-tac-quoc-te-doi-moi-giao-duc-dai-hoc-post602187.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác quốc tế đổi mới giáo dục đại học