Hướng nghiệp cho học sinh dân tộc ‘chìa khóa’ mở cửa tương lai

Đăng Đức | 15/01/2023, 16:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh dân tộc rất quan trọng, giúp các em có nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Đa dạng hoạt động hướng nghiệp

Xác định hướng nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Quảng Trị đã bám sát các chương trình, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Quảng Trị về giáo dục hướng nghiệp để lên kế hoạch cụ thể, nhằm giúp học sinh có hướng đi đúng trong việc chọn nghề.

Cô giáo Trần Thị Liên, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian qua, nhà trường đã chủ động tổ chức tuyên truyền và định hướng việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh ngay từ lớp 10 bằng nhiều hình thức: lồng ghép vào các tiết dạy học trên lớp; tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh để tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho các em.

Các hoạt động hướng nghiệp tổ chức theo chủ đề: Bạn chọn nghề gì?; Tôi muốn đạt được ước mơ; hoạt động tìm hiểu thực tế ở trường Đại học (hoặc Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Dạy nghề) tại địa phương và trong nước; những điều kiện để thành đạt trong nghề.

Bên cạnh đó, Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị cũng tổ chức giao lưu với những gương học sinh vượt khó vươn lên và đã thành đạt sau khi ra trường… Phối hợp với các trường ĐH, CĐ để tư vấn, định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Những hoạt động nói trên giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết về nghề nghiệp, đánh thức niềm đam mê cho học sinh, từ đó thay đổi tư duy trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực của mỗi em. Đặc biệt, đối với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tư vấn, hướng nghiệp không chỉ giúp các em lựa chọn ngành nghề theo khả năng, sở thích bản thân mà còn phải phù hợp khả năng tài chính của gia đình.

Học sinh có nhiều lựa chọn nghề nghiệp

Ngoài việc phối hợp với các trường ĐH, CĐ để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhà trường cũng đổi mới hình thức hướng nghiệp cho các em và đã phát huy hiệu quả tích cực.

Những năm gần đây, Trường PTDTNT tỉnh đã kết nối với các tổ chức, đơn vị tư vấn, tuyển sinh để các em học sinh tiếp tục học tập, học nghề, làm việc sau khi tốt nghiệp THPT: Tổ chức PN VIET NAM tại Đà Nẵng, Chương trình học bổng ISSHIN – ASHI của Nhật Bản,...

Hướng nghiệp cho học sinh dân tộc ‘chìa khóa’ mở cửa tương lai ảnh 1

Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh miền núi giúp các em có nhiều lựa chọn hơn.

Cụ thể, hiện có hàng chục học sinh của trường đủ điều kiện theo chương trình học bổng ISSHIN – ASHI của Nhật Bản, hệ vừa học vừa làm; số lượng học sinh học tại tổ chức PN VIET NAM (học 2 năm) là 23 em, nhiều em đã ra trường và có công việc, thu nhập ổn định.

Đáng chú ý, tỉ lệ học sinh thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng của nhà trường hàng năm tương đối cao.

Thầy giáo Nguyễn Thế Long - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, với đặc thù trường chủ yếu đào tạo học sinh là con em đồng bào dân tộc nên nhà trường cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc hướng nghiệp đối với học sinh.

Bám sát các chương trình về giáo dục hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT, nhà trường xây dựng kế hoạch, thành lập Ban hướng nghiệp của nhà trường. Từ đó, việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh được triển khai bài bản.

Hàng tháng nhà trường tổ chức các chủ đề hướng nghiệp tích hợp trong các môn học; chú trọng phối hợp Trung tâm GDNN-GDTX làm hướng nghiệp cho học sinh, phối hợp các trường Đại học về tư vấn, tuyển sinh...

“Vấn đề hướng nghiệp cho học sinh trước hết là thay đổi tư duy, nhận thức cho các em về nghề nghiệp. Với học sinh vùng đồng bằng, hầu hết các em sau khi tốt nghiệp THPT đều muốn vào học các trường Đại học, Cao đẳng. Trong khi đó, học sinh vùng dân tộc miền núi muốn có hướng đi khác, con đường vào Đại học không phải là sự lựa chọn duy nhất. Do đó, việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh rất quan trọng, giúp các em có nhiều sự lựa chọn hơn”, thầy Long chia sẻ.

Hơn nữa, việc định hướng và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh dân tộc miền núi có vai trò rất lớn của nhà trường, thầy cô. Học sinh vùng đồng bằng sẽ có nhiều kênh để tìm hiểu thông tin, nghiên cứu về nghề nghiệp, có thể qua gia đình, định hướng từ cha mẹ, bạn bè, anh chị và những người đi trước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng nghiệp cho học sinh dân tộc ‘chìa khóa’ mở cửa tương lai