Cũng trong buổi tư vấn hướng nghiệp, đoàn viên thanh niên, người lao động được tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết, bổ ích về cơ hội nghề nghiệp, quy trình, điều kiện tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp. Từ đó, giúp họ có cái nhìn thực tế và những chuẩn bị cần thiết về nghề nghiệp trước khi tham gia thị trường lao động”, ông Hà nhấn mạnh.
Tạo cơ hội cho người yếu thế
Thông qua chương trình đạo tạo nghề cho đoàn viên thanh niên, Trung tâm chú trọng hướng tới các đối tượng thanh thiếu niên đặc thù, yếu thế như bị mồ côi, khuyết tật, hộ nghèo; thanh niên, người lao động bị mất việc do dịch Covid-19, thanh niên dân tộc thiểu số… chưa có việc làm hoặc chưa có định hướng nghề rõ ràng để giúp họ có được những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống và có định hướng nghề phù hợp, thu nhập ổn định.
Điển hình như trong 2 năm 2018-2019, Trung tâm đã phối hợp với tổ chức Tầm nhìn Thế giới tổ chức 2 lớp tập huấn, định hướng nghề cho 75 thanh thiếu niên 15 -18 tuổi bỏ học, thanh niên chậm tiến tại 5 xã Sơn Lư, Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Tiến và Trung Xuân của huyện miền núi Quan Sơn.
Theo ông Hà, buổi tập huấn “Nâng cao năng lực thanh thiếu niên và tiếp cận các cơ hội việc làm” đã trang bị thêm những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng tìm kiếm việc làm; kỹ năng đàm phán thương lượng trong công việc; kỹ năng đặt mục tiêu và kiên trì theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của thanh thiếu niên, là một trong những kết quả quan trọng góp phần đảm bảo được mục tiêu Chương trình vùng hướng tới an sinh trẻ em, đặc biệt là trẻ dễ bị tổn thương trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về vấn đề xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn cho lao động nông thôn là đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ, thanh niên hoàn lương… Nhờ đó, nhiều thanh niên được tiếp cận nguồn vốn, có cơ hội được xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, hai năm qua dù bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến thị trường việc làm có phần thu hẹp. Tuy nhiên, với sự thích ứng và sự chuẩn bị về giải pháp, nguồn lực, các cán bộ Đoàn đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong tìm kiếm, tổ chức các hoạt động đồng hành lập thân, lập nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thanh niên, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Giám đốc Trung tâm HNDN>VL thanh niên Thanh Hoá – ông Hoàng Thanh Hà cho rằng, nhu cầu định hướng và tìm kiếm việc làm của thanh niên trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn. Tuy nhiên, vai trò của Đoàn Thanh niên mới dừng lại ở “cầu nối” thông qua các chương trình, hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Điều cần thiết là sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành và địa phương để có những chương trình, chính sách đồng bộ, hỗ trợ thanh niên được đào tạo nghề bài bản và sớm tìm được công việc phù hợp.