Khoa học - công nghệ

'Hút' sinh viên giỏi vào ngành thiết kế vi mạch

09/05/2025 22:53

Để "hút" SV giỏi theo học ngành thiết kế vi mạch, các trường ĐH đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp tìm nguồn học bổng, thực tập và tuyển dụng.

Tăng khả năng thực chiến cho người học

Tốt nghiệp ngành Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Ngô Tri Khiêm tham gia khóa đào tạo “Thiết kế Vật lí vi mạch VLSI cơ bản”.

Khóa học được tổ chức dựa trên sự hợp tác của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Tập đoàn Cadence cùng sự hỗ trợ của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN và Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sự hợp tác này đã tài trợ gần 90 suất học bổng 100% học phí cho khóa học "Thiết kế Vật lí vi mạch VLSI cơ bản" và hỗ trợ kết nối việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

truong-dai-hoc-bach-khoa-da-nang-vi-mach-ban-dan.jpg
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng làm việc với Candence - Tập đoàn cung cấp công cụ thiết kế vi mạch.

Ngô Tri Khiêm là một trong 10 học viên xuất sắc của khóa học, bao gồm 85 học viên là sinh viên giảng viên từ các trường đại học. Ngay sau khóa học, Khiêm trúng tuyển ở vị trí kỹ sư thiết kế vật lý (physical design) tại Công ty FPT Semiconductor.

Khiêm cho biết, trong quá trình học, em thấy kiến thức được đào tạo khá rộng, trong đó có các môn như mạch số và mạch điện tử, đây là những nền tảng quan trọng cho lĩnh vực điện tử. Khóa học tập trung kiến thức nền tảng thiết kế vật lí vi mạch, công nghệ CMOS cơ bản, quy trình thiết kế, kết hợp với các buổi thực hành sử dụng công cụ Innovus (Cadence) trên hệ điều hành Linux. Đội ngũ giảng viên đến từ tổ chức Tresemi đã mang đến cho em một nền tảng kiến thức vững chắc và định hướng rõ ràng cho vị trí việc làm trong ngành vi mạch.

Đánh giá về khóa học, chuyên gia về chíp bán dẫn Philip Hoàng - quản lý kỹ thuật cao cấp tại Skyworks Solutions, sáng lập viên tổ chức Tresemi cho biết: "Kết quả bước đầu triển khai khóa đào tạo ngắn hạn rất tốt. Đơn cử có học viên tốt nghiệp được doanh nghiệp uy tín như FPT đánh giá cao, có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên sâu để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Do vậy, thông qua các hoạt động thực tiễn này cũng như thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục phối hợp tổ chức các khoá bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ học bổng cho sinh viên…".

truong-dai-hoc-bach-khoa-da-nang.jpg
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng giao lưu với các chuyên gia, kỹ sư thiết kế vi mạch đến từ Công ty Mixel Việt Nam.

Để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học phải có chính sách ưu tiên, gồm học bổng, miễn giảm học phí, ký túc xá.. cho sinh viên ngành bán dẫn. Theo đó, trường đại học có thể tìm thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp, tăng cường hợp tác để sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và được tuyển dụng sau khi ra trường.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã ứng dụng các công cụ tiên tiến do Cadence cung cấp. Phía Cadence đã có một số buổi làm việc tìm hiểu thực trạng triển khai công nghệ này, đồng thời thảo luận các giải pháp hỗ trợ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu. Phía công ty sẽ hỗ trợ thêm cho Nhà trường 20 bộ licenses cho tất cả công cụ và sẽ hợp tác với nhà trường trong việc mở các khóa học up-skill.

Ươm mầm tài năng

6 sinh viên xuất sắc đến thuộc các khoa Điện tử - Viễn thông, khoa Khoa học và công nghệ tiên tiến và khoa Điện của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vừa được trao Học bổng Synopsys IC Design 2025 có tổng giá trị là 5000 USD. Trong đó 4 suất 1000 USD dành cho sinh viên năm 3, năm 4 và 2 suất 500 USD dành cho sinh viên năm 1, năm 2 có thành tích học tập tốt và hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Linh - Giám đốc điều hành Kỹ thuật, Synopsys Corporate Headquarters cho biết, công ty luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường, vun đắp và nuôi dưỡng những tài năng trẻ đam mê với lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Học bổng Synopsys IC Design Scholarship Program là một phần trong cam kết dài hạn của Synopsys Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp tích cực cho hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Sinh viên Lương Như Quỳnh - lớp 21ECE chia sẻ rằng, học bổng không chỉ là sự hỗ trợ tài chính mà còn tiếp thêm niềm tin, động lực để mình tiếp tục nỗ lực học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân. "Sự đồng hành của nhà trường và doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức chuyên sâu mà còn có cơ hội thực tập, học hỏi từ thực tế, trang bị những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp", Quỳnh Như nói.

vi-mach-ban-dan-dai-hoc-bach-khoa-da-nang.jpg
Sinh viên đăng ký tham gia buổi giới thiệu học bổng “Light Your Way - Thắp sáng lối đi riêng” và giao lưu định hướng nghề nghiệp do Công ty Mixel Việt Nam tổ chức.

Công ty Mixel Việt Nam đã giới thiệu học bổng “Light Your Way - Thắp sáng lối đi riêng” đến sinh viên các ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng để sinh viên đăng ký học bổng. Công ty sẽ công bố kết quả trong tháng 5 này sau khi đã tổ chức phỏng vấn.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mixel Việt Nam Nguyễn Bảo Anh cho biết, học bổng này không chỉ là hỗ trợ tài chính mà là cơ hội để sinh viên khơi dậy động lực bên trong, định hình lộ trình sự nghiệp và làm chủ hành trình phát triển của chính mình trong ngành công nghiệp bán dẫn đầy tiềm năng.

Với học bổng “Light Your Way - Thắp sáng lối đi riêng”, sinh viên được trải nghiệm các bài toán công nghệ vi mạch, được hướng dẫn trực tiếp bởi các chuyên gia kinh nghiệm trong ngành, cũng như có cơ hội thực tập và lộ trình phát triển toàn diện tại Mixel Vietnam (thành viên của Tập đoàn Mixel, Hoa Kỳ), nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các lõi IP mạch hỗn hợp. Điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên được đào tạo một cách bài bản, được thử sức với những công nghệ cao, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia người Việt có trình độ cao, tạo tiền đề cho những sản phẩm cao cấp từ Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Bảo Anh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mixel Việt Nam, lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ngành công nghệ đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Để bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong lĩnh vực này, ngoài đào tạo nguồn nhân lực tốt, phải có hệ thống chính sách đủ lớn, hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp, tạo thêm việc làm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hut-sinh-vien-gioi-vao-nganh-thiet-ke-vi-mach-post730480.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hut-sinh-vien-gioi-vao-nganh-thiet-ke-vi-mach-post730480.html
Bài liên quan
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ra mắt Cổng thông tin việc làm Bách khoa
Ngày 19/4, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức Ngày hội việc làm Bách khoa - DUT Job Fair 2025 với hơn 40 doanh nghiệp tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hút' sinh viên giỏi vào ngành thiết kế vi mạch