Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, việc kiên cố hóa trường, lớp tại các vùng đặc biệt khó khăn đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội để kiên cố hóa trường, lớp học đã làm thay đổi diện mạo nhiều ngôi trường trên khắp cả nước.
Hiện thực hóa ước mơ về những ngôi trường mới
Nhìn lại thời điểm năm 2013, điều kiện cơ sở vật chất trường học hết sức khó khăn. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa rất thấp, đặc biệt là cấp học Mầm non chỉ đạt 47,7% (trong đó, Tây Bắc khoảng 36,5%, Tây Nguyên 35,4%, Bắc Trung Bộ chỉ khoảng 32,8%). Với cấp Tiểu học, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước là 61,6% (thấp nhất là vùng Tây Bắc chỉ khoảng 43%, Đồng bằng sông Cửu Long 48,4%).
Trải qua 10 năm, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí, huy động nguồn lực để tăng cường các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất trường, lớp học.
Đến hết năm 2023, theo báo cáo của các địa phương, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố là 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%. Cụ thể, cấp học Mầm non có tỷ lệ kiên cố hóa 83,0%; Tiểu học là 83,2%; Trung học cơ sở là 94,9% và Trung học phổ thông là 97,0%.
Để có được kết quả này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường cơ sở vật chất như: Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến 2020 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025...; cùng với đó là các dự án ODA, các chương trình, đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn...
Bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, nguồn huy động xã hội hóa cũng đóng vai trò rất lớn trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học. Các địa phương đã quan tâm tăng cường cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóavà từng bước hiện đại hóa, xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, ưu tiên cho việc duy trì phổ cập giáo dục mầm non.
Một số địa phương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập như: hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non, miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2013 - 2023, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở các địa phương. Trong 10 năm qua, có trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, với khoảng 35.984 phòng học và 1.216 phòng công vụ được đầu tư. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.896,96 tỷ đồng.
Điển hình như tại Yên Bái, là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng việc kiên cố hóa trường, lớp luôn được ưu tiên hàng đầu nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.
Cô Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Đồng, huyện Yên Bình, Yên Bái cho biết: Năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư 3,5 tỷ đồng để xây dựng cho nhà trường 6 phòng học kiên cố, với quy mô 3 tầng. Công trình hoàn thành và đi vào sử dụng từ tháng 12/2020 đã hiện thực hóa mơ ước của giáo viên và người dân địa phương khi không còn điểm trường lẻ, không còn học 2 ca/ngày. Trường Mầm non Đại Đồng đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường Mầm non Đại Đồng chia sẻ: "Nếu như trước kia, mọi hoạt động từ học tập, ăn uống, nghỉ ngơi của các con đều trong một căn phòng nhỏ, hẹp, chúng tôi rất vất vả trong việc sắp xếp, vận chuyển đồ đạc, khó khăn trong việc dạy và học, thì giờ đây các con đã có phòng học, phòng ngủ riêng. Mọi thiết bị được sắp xếp cố định, có không gian thoải mái để học tập, vui chơi. Đây là sự thay đổi vô cùng lớn giúp giáo viên yên tâm công tác".
Phấn đấu 100% phòng học ở cấp mầm non, phổ thông được kiên cố hóa
Tuy việc triển khai kiên cố hóađã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhưng do số lượng các trường lớn, trải rộng, ngân sách đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên hiện nay, cơ sở vật chất tại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông một số nơi vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình học và các nhu cầu phục vụ học tập khác của nhà trường. Các chương trình, dự án, đề án đầu tư trong thời gian qua mới chỉ hỗ trợ một phần sự thiếu hụt cơ sở vật chất cho các trường thuộc vùng khó khăn, có điều kiện kinh tế kém phát triển.
Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm. Phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông mới chỉ có các phòng học thông thường, các công trình thuộc khối phục vụ học tập còn thiếu rất nhiều như: phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa chức năng, hành chính quản trị, sân chơi, bãi tập thể dục thể thao...
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi vẫn đang nỗ lực thực hiện kiên cố hóa trường học, cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường trong các năm qua đã được chính quyền và ngành giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, trường vẫn còn 4 phòng học tạm, hạn chế về diện tích khiến cho việc dạy và học còn nhiều khó khăn. Mong muốn lớn nhất của nhà trường là nhận được sự đầu tư từ các đơn vị để có nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi hơn, tiến tới thực hiện lộ trình trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2026.
Thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, Trường Tiểu học Nghĩa Tâm cùng các học trò của mình đang hằng ngày học tập trong phòng học bằng khung gỗ được chuyển về từ điểm lẻ, sau khi thực hiện dồn ghép điểm lẻ về điểm chính. Từ trong phòng học có thể nhìn ra ngoài trời qua khe gỗ, mùa đông gió lùa rét buốt. Thầy Trung tâm sự: Với điều kiện như vậy cũng không thể lắp các thiết bị như màn hình tivi hay máy chiếu để mang lại cho học sinh những giờ học trực quan, sinh động hơn. Nếu có được sự đầu tư của các đơn vị, tổ chức giúp xây dựng lại dãy phòng học này cho kiên cố thì các em cũng bớt thiệt thòi.
Lớp học tạm như vậy chỉ là một trong số hàng chục nghìn phòng học đang cần kiến cố hóa trên cả nước. Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông vẫn còn rất lớn. Số phòng học cần kiên cố hóa khoảng 67.161 phòng, phòng công vụ giáo viên cần bổ sung là 10.794 phòng.
Vì vậy, một trong những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong thời gian tới là xây dựng các chiến dịch truyền thông, kêu gọi sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội vào quá trình cải thiện cơ sở vật chất giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh các mô hình hợp tác công tư để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào xây dựng và quản lý trường học. Các tổ chức phi chính phủ, hội nhóm từ thiện… cần được khuyến khích tham gia nhiều hơn vào việc tài trợ và xây dựng cơ sở vật chất giáo dục tại địa phương để cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, 100% phòng học ở cấp mầm non, phổ thông được kiên cố hóa.
Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư vào các khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Các chính sách này cần tập trung vào ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế và hỗ trợ tín dụng để thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương cũng sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập thực tế. Qua đó, giúp tránh tình trạng trường học quá tải hoặc thừa cơ sở ở các khu vực không cần thiết; sắp xếp lại các trường học có quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động thấp ở những khu vực dân cư phân tán; tối ưu hóaviệc sử dụng nguồn lực cho giáo dục.