Huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên

25/10/2024 12:10

"Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ những lớp học tạm bợ nay đã được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.

Huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023 - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.

Điểm cầu 63 tỉnh/thành có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của địa phương.

Huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên- Ảnh 2.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Gần 33.000 tỷ đồng xã hội hóa kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, trong 10 năm qua, công tác xã hội hoá đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

"Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ những lớp học tạm bợ nay đã được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thầy cô giáo yên tâm công tác và cống hiến.

Chỉ rõ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hệ thống cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xã hội hóa giáo dục. Nhiều địa phương đã ban hành những chính sách riêng để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục như hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, miễn thuế thuê đất để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập.

Trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa được gần 36.000 phòng học, hơn 1.200 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh khí gần 33.000 tỷ đồng. Tỉ lệ phòng học kiên cố hóa trong cả nước đã tăng từ 65,9% năm 2013 lên 86,6% vào năm 2023. Trong đó, các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn đã nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập gia tăng nhanh chóng, năm học 2022-2023, cả nước có gần 4.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập (tăng hơn 2.500 trường so với năm 2013). Một số trường mầm non, phổ thông có tham gia của nước ngoài được thành lập, qua đó học sinh và giáo viên có cơ hội tiếp cận với các chương trình dạy học tiên tiến, tài liệu và phương pháp giáo dục hiện đại.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long biểu dương và đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì triển khai có trách nhiệm và hiệu quả Chương trình này trong suốt 10 năm qua, đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành đến các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia, đóng góp cho công cuộc này. Sự đồng hành này là mình chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm xã hội, vì tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên- Ảnh 3.
Vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học

Theo Phó Thủ tướng, công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc cho tương lai của các thế hệ học sinh. Đồng thời, cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ giáo viên, những người đang trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp "trồng người" của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn còn thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện học tập và làm việc của học sinh và giáo viên chưa được đảm bảo đầy đủ. Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học mượn...; nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

"Chúng ta cần tiếp tục chung tay, huy động thêm các nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành mục tiêu kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hoá giáo dục, trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên; đồng thời cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới cân bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên- Ảnh 4.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long kêu gọi "toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em của chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước" - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.

Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn, trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.

Bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo; phân bổ nguồn lực, thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục, đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Giám sát và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long kêu gọi "toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em của chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước".

Huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên- Ảnh 5.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, cấp học mầm non có 56,9% trường đạt chuẩn quốc gia; với cấp tiểu học, tỉ lệ này là 62,8% trường; cấp THCS là 72,3%; THPT là 49,6%.

Khắp mọi miền đất nước ở đâu cũng có thể gặp những công trình trường lớp học được xây dựng từ nguồn xã hội hóa từ nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, với cách thức, mô hình hết sức phong phú, đa dạng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

Các hộ gia đình và cá nhân cũng đã tích cực quyên góp kinh phí, đồng thời hiến tặng hàng trăm ha đất để mở rộng trường lớp, cả ở khu vực đô thị và miền núi. Tiêu biểu như gia đình Bác sĩ Trương Minh Tuyết và thầy Trần Đình Chiến đã tài trợ 86 tỷ đồng để xây dựng Trường THCS Trương Minh Bạch (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); hộ gia đình ông Trần Văn Dần, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng và mua sắm thiết bị dạy học…


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/huy-dong-them-nguon-luc-xa-hoi-hoa-de-hoan-thanh-kien-co-hoa-toan-bo-he-thong-truong-lop-nha-cong-vu-cho-giao-vien-102241025120000895.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/huy-dong-them-nguon-luc-xa-hoi-hoa-de-hoan-thanh-kien-co-hoa-toan-bo-he-thong-truong-lop-nha-cong-vu-cho-giao-vien-102241025120000895.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy động thêm nguồn lực xã hội hoá để hoàn thành kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên