Tạo động lực “bứt phá”
Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho biết: Theo kế hoạch, từ ngày 1/9, gần 17.000 học sinh thuộc 3 cấp (mầm non, tiểu học và THCS) trên địa bàn sẽ tựu trường. Do vậy, thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, với phương châm sẵn sàng, chủ động bước vào năm học mới.
“Bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, phòng cũng chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nội dung, kế hoạch năm học… Từ đó, nhà trường, thầy cô chủ động phương pháp, kế hoạch giảng dạy, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để nâng cao chất lượng toàn diện”, ông Chùy cho hay.
Với đặc thù phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn, hộ nghèo..., do vậy, sách giáo khoa là danh mục quan trọng được các nhà trường đặc biệt chú trọng.
Bên cạnh đó, từ tháng 8/2021, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Trẻ học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình GDPT ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi được hỗ trợ 150.000 đồng chi phí học tập mỗi tháng.
“Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường vận động phụ huynh sử dụng một phần trong khoản hỗ trợ này để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em, nên đa phần phụ huynh đều không bị nặng gánh về tiền sách. Số còn lại sẽ được hỗ trợ từ nguồn sách quyên góp, ủng hộ của học sinh khóa trước. Vì thế không em nào phải lo thiếu sách”, ông Chùy chia sẻ.
Với nỗ lực vượt khó của các nhà trường, giáo viên và sự đồng thuận chung tay góp sức của phụ huynh, ngành Giáo dục Mường Nhé kỳ vọng sẽ có thêm động lực, từ đó bứt phá, tạo bước chuyển biến về chất lượng, góp phần đổi mới, phát triển giáo dục vùng biên giới. Ông Phạm Thiết Chùy