Trong khi đó, học viên tại các lớp lớn hơn sẽ tham gia các khóa đào tạo để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi ra trường. Trong đó, học viên được dạy cách mở tài khoản ngân hàng, làm đồ thủ công đơn giản để bán. Ví dụ, một chiếc vòng tay các em tự làm được bán với giá 4 USD (khoảng 94 nghìn đồng).
Saraswati đã giúp cuộc sống của trẻ em khuyết tật nói riêng và gia đình các em trở nên tốt đẹp hơn. Bà Reshma đánh giá việc trẻ em với những khuyết tật khác nhau học tập trong cùng một lớp góp phần hướng tới tư duy hòa nhập hơn.
“Một số phụ huynh không hoan nghênh ý tưởng cho trẻ mắc chứng Down học với trẻ tự kỷ vì theo họ trẻ mắc chứng Down sẽ bắt chước trẻ tự kỷ. Đó là một tư duy kỳ thị mà tôi mong muốn xoá bỏ và thay đổi bằng nhận thức rằng các em đều đang phát triển cùng nhau”, bà Reshma cho biết.
Hiện nay, khoảng 23 triệu người Indonesia được chẩn đoán là khuyết tật. Tuy nhiên, cả nước chỉ có khoảng 2.300 trường giáo dục đặc biệt. Các trường công lập được chính phủ yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục hoà nhập.
Nhiều trẻ em có nhu cầu đặc biệt vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục đặc biệt lẫn giáo dục hòa nhập. Còn các trường giáo dục đặc biệt phải đối mặt với thách thức như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất...
Nhằm hỗ trợ người khuyết tật, Chính phủ Indonesia mới đây đã thông qua một số quy định về người khuyết tật như hỗ trợ xã hội, thực hiện các quyền, khả năng tiếp cận các dịch vụ công và phòng chống thiên tai...
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tiến độ cải cách vẫn còn chậm và những thay đổi cần được tăng cường. Việc triển khai cũng phải tích cực hơn nhằm giúp người khuyết tật được giáo dục và hoà nhập.
Theo CNA