Đường phố của Ubud chật ních xe cộ, khách du lịch và có nhiều cửa hàng trang sức, quầy hàng nghệ thuật, cửa hàng quần áo, tác phẩm điêu khắc gỗ. Một số gian hàng bán vé xem biểu diễn “múa lửa” kecak hay điệu múa barong thần bí. Ẩn mình sau những bức tường chạm khắc tinh xảo là những phòng trưng bày tác phẩm của một số nghệ sĩ được kính trọng nhất trên đảo.
Nhiều nghệ sĩ giờ đây đã biến những món đồ thủ công thừa kế của mình thành một nguồn doanh thu. Tuy nhiên, nghệ thuật và các buổi biểu diễn vẫn là một phần không thể thiếu trong xã hội Hindu của người Bali.
Ví dụ, đối với người dân Bali, một chiếc mặt nạ thiêng liêng không chỉ là mảnh gỗ trang trí; một điệu nhảy đeo mặt nạ không chỉ đơn giản là cảnh tượng mê hoặc. Cả hai đều cung cấp một phương tiện để kết nối với các vị thần và tổ tiên, đồng thời mang đến sự kết hợp sống động, đồng điệu với niskala - thế giới vô hình.
Ông Bandem nói: “Các nghi lễ, bao gồm sự tham gia của âm nhạc và khiêu vũ, vẫn là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi”.
Trung tâm văn hóa của Bali
Dưới sự hướng dẫn cẩn thận của ông Anom Suryawan, cậu bé Gusabi có thể là thế hệ thứ 10 trong gia đình họ trở thành một nghệ nhân làm mặt nạ. Ảnh: Rio Helmi
Trong lịch sử, các gia đình hoàng gia của 9 vương quốc ở Bali đóng vai trò là người bảo trợ cho nghệ thuật với những trung tâm thịnh vượng trên khắp hòn đảo.
Tuy nhiên, khi hầu hết các vương quốc đã rơi vào tay thực dân Hà Lan, nhiều nghệ sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư của Bali đã tìm nơi ẩn náu ở Gianyar, nay là chính quyền của Ubud. Vào những năm 1930, Ubud đã củng cố danh tiếng là trung tâm sáng tạo của Bali.
Cung điện Ubud là nơi đáng chú ý để bắt đầu khám phá di sản nghệ thuật của thị trấn này. Các bảo tàng như Neka, Puri Lukisan và Bảo tàng Nghệ thuật Agung Rai (ARMA) trưng bày các tác phẩm đặc sắc của nhiều nghệ sĩ truyền thống và đương đại nổi tiếng ở Bali. Nhà trưng bày Setia Darma đã tích lũy được bộ sưu tập đáng kinh ngạc gồm 1.300 mặt nạ và 5.700 con rối.
Nhiều thị trấn xung quanh Ubud được công nhận là nơi dành cho một nghề thủ công cụ thể. Ví dụ, Batubulan được đánh giá cao về điêu khắc đá, Celuk nổi tiếng với đồ trang sức bằng vàng và bạc. Trong khi đó, Singapadu được biết đến với những vũ công và nhạc sĩ huyền thoại, còn Batuan có những điệu nhảy và những bức tranh chi tiết phức tạp.
Mas, ngôi làng nơi thợ làm mặt nạ Suryawan sinh sống, được tôn vinh vì những thợ chạm khắc gỗ lành nghề đã truyền lại qua nhiều thế hệ. Giống như nhiều thợ thủ công khác trong làng, Suryawan chào đón du khách đến xưởng vẽ tại nhà mình để học cách chạm khắc hoặc xem tác phẩm tại phòng trưng bày mặt nạ Astina.
“Tôi biết ơn tổ tiên vì đã chia sẻ kiến thức của họ với tôi. Và bây giờ, để giữ văn hóa và truyền thống tồn tại, tôi thấy vinh dự được chia sẻ nó với những người khác”, ông Suryawan nói.
Theo National Geographic