Kết nối yêu thương trên vùng đất khó

01/02/2024, 09:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trà Vinh là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Trà Vinh là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều hoạt động khuyến học khuyến tài được triển khai sâu rộng, nhờ đó nhiều học sinh, sinh viên yên tâm học tập.

“Bén rễ” vào xóm ấp

Thời gian qua, Trà Vinh có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình giáo dục và khuyến khích học tập trong cộng đồng. Tỉnh đã thiết lập nhiều chính sách học bổng và hỗ trợ học sinh, nhất là đối với các em có hoàn cảnh khó khăn. Những chương trình này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính, mà còn tạo động lực cho học sinh nỗ lực hơn trong hành trình học tập.

Em Ngô Gia Khang, học sinh lớp 8 Trường THCS Bình Phú (Càng Long) thuộc gia đình hộ nghèo. Em có thể học đến lớp 8 như hiện nay là nhờ vào các chương trình khuyến học được nhà trường, địa phương hỗ trợ.

Năm 2023, các cấp Hội Khuyến học Trà Vinh đã vận động quỹ khuyến học tiền mặt và hiện vật trị giá trên 23,7 tỷ đồng. Qua đó, các cấp hội đã cấp học bổng cho trên 8.570 học sinh, sinh viên; hỗ trợ tiền, vật chất, khen thưởng, tặng quà cho 36.696 học sinh, sinh viên; đỡ đầu 3.554 học sinh, sinh viên với tổng trị giá trên 17,9 tỷ đồng.

Anh Ngô Văn Sáu, phụ huynh em Khang cho biết: “Gia đình không có ruộng đất nên đi làm công để mưu sinh. Từ khi dịch bệnh Covid-19 đến nay việc làm không còn nhiều, thu nhập giảm đáng kể.

Rất may con trai tôi được nhà trường, chính quyền địa phương quan tâm. Mỗi khi khai giảng, học kỳ I, học kỳ II hay mùa Hè con đều có quà, học bổng. Nhờ đó mà con yên tâm học tập, gia đình cũng yên tâm cho con đi học đến nơi đến chốn”.

Hội Khuyến học huyện Càng Long là một trong những “điểm sáng” trong công tác khuyến học khuyến tài của tỉnh Trà Vinh. Năm 2023, hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trao học bổng cho 1.459 học sinh, sinh viên với tổng trị giá gần 500 triệu đồng; vận động 117 tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu 407 học sinh, sinh viên, với tổng số tiền trên 264 triệu đồng.

Ngoài ra, các hội cơ sở còn vận động mạnh thường quân mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền học phí cho 7 học sinh, trị giá gần 2 triệu đồng và hỗ trợ 1 căn nhà khuyến học trị giá 100 triệu đồng. Sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội đã phát huy vai trò trong việc quan tâm chăm sóc học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng xã hội học tập ở các địa phương phát huy hiệu quả tích cực. Đơn cử như tại xã Phương Thạnh có phong trào thi đua gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng, đơn vị học tập, công dân học tập... Đến nay, toàn xã có 10 chi hội, 2 ban khuyến học, 93 tổ khuyến học kiêm tổ tự quản, với 3.105 hội viên, chiếm 25% số dân số toàn xã.

Hội Khuyến học xã làm nòng cốt trong việc phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện nhiều phong trào, hoạt động thiết thực góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học.

Phối hợp với các chi, tổ hội quan tâm, chăm lo học sinh hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó vươn lên bằng nhiều hình thức: Vận động hỗ trợ học bổng, sách giáo khoa, đồng phục, xe đạp và dụng cụ học tập để các em có điều kiện đến trường.

Ông Phùng Văn Nhân, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phương Thạnh cho biết: Năm 2023 đến nay, Hội vận động tiền mặt và hiện vật quy thành tiền trị giá trên 300 triệu đồng, hỗ trợ gần 1.000 học sinh hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, thực hiện mô hình 1+1, 1+n… có 5 cá nhân nhận đỡ đầu 10 học sinh và 5 tập thể đỡ đầu 36 học sinh, với tổng trị giá trên 61,7 triệu đồng.

Phong trào khuyến học khuyến tài phát huy hiệu quả, người dân địa phương đồng lòng trong việc xây dựng hội và các phong trào. Đến nay, xã Phương Thạnh có 1.275 hộ đăng ký mới danh hiệu “gia đình học tập”, có 1.174 hộ được công nhận; 4/6 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập” (tiêu biểu như dòng họ Sơn ấp Đầu Giồng, dòng họ Nguyễn ấp Chợ, dòng họ Thạch ấp Giồng Chùa và dòng họ Nguyễn ấp Phú Thạnh).

10/10 ấp đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 2 cơ quan, 4 trường học, 2 cơ sở thờ tự đăng ký và đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Đặc biệt, xã xây dựng mô hình “Công dân học tập” năm 2023, qua triển khai có 1.464 cá nhân đăng ký mới, 28 cá nhân tái đăng ký ở 3 nhóm đối tượng, qua bình xét có 1.384 cá nhân được công nhận danh hiệu “Công dân học tập”...

Hội Khuyến học huyện Càng Long (Trà Vinh) bàn giao căn nhà khuyến học tặng gia đình 2 học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HKH
Hội Khuyến học huyện Càng Long (Trà Vinh) bàn giao căn nhà khuyến học tặng gia đình 2 học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HKH
TP Trà Vinh (Trà Vinh) tổ chức chương trình 'Thắp sáng ước mơ' và trao học bổng năm học 2023 - 2024. Ảnh: H. Duy
TP Trà Vinh (Trà Vinh) tổ chức chương trình 'Thắp sáng ước mơ' và trao học bổng năm học 2023 - 2024. Ảnh: H. Duy

Chung tay chăm lo khuyến học

Theo thống kê của Hội Khuyến học phường 9 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), phường có trên 100 học sinh hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ từ cộng đồng để tiếp tục đến trường.

Năm 2023, Hội Khuyến học phường đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ trao trên 820 phần quà cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.

Đặc biệt, dịp khai giảng năm học 2023 - 2024, trao 108 suất học bổng, 300 suất quà gồm nhu yếu phẩm và dụng cụ học tập, 30 chiếc xe đạp cho các em hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Quyên, Chủ tịch Hội Khuyến học phường 9 cho biết: Phong trào khuyến học, khuyến tài ở phường luôn được sự chung tay của các cấp ủy Đảng, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Mỗi năm, phường tuyên dương, khen thưởng khoảng 70 học sinh hoàn cảnh khó khăn có thành tích cao trong học tập. Bên cạnh đó, dành nguồn quỹ hỗ trợ một phần cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Song song với công tác vận động quỹ, hỗ trợ học sinh nghèo, Hội Khuyến học các cấp còn tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong công tác khuyến học, khuyến tài; làm tốt công tác rà soát, bình xét các danh hiệu, nhân rộng mô hình học tập trong cộng đồng.

Dù còn khó khăn nhưng Trà Vinh huy động sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học các cấp nên công tác khuyến học, khuyến tài đã được đẩy mạnh, lan tỏa rộng khắp ở các địa phương. Qua đó, động viên tinh thần hiếu học của học sinh, sinh viên.

Đến nay, tỉnh Trà Vinh có 107 tổ chức hội cơ sở (106 xã, phường, thị trấn và trường CĐ nghề), 1.160 chi hội (641 chi hội ấp, 114 chi hội khóm, 405 chi hội trường học), 790 ban khuyến học, 9.246 tổ tự quản. Hiện, toàn tỉnh có 251.065 hội viên (đạt 24,35% số dân số).

Trao đổi về công tác khuyến học, khuyến tài, ông Trần Văn Bồi, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trà Vinh cho biết: Xác định công tác khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ trọng tâm, Hội luôn chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể và trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc học đối với mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ và toàn xã hội.

Học sinh Trường Tiểu học Hàm Giang B (Trà Cú) nuôi heo đất để hỗ trợ bạn học hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Q. Ngữ
Học sinh Trường Tiểu học Hàm Giang B (Trà Cú) nuôi heo đất để hỗ trợ bạn học hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Q. Ngữ

Hội chú trọng huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia công tác này thông qua các hoạt động trao học bổng, tặng quà hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn… tạo động lực cho các em tiếp tục vươn lên trong học tập.

Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là rất cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh ngày càng phát triển.

Đặc biệt, các hình thức đỡ đầu cho học sinh, sinh viên nghèo ở các cấp học được tỉnh Trà Vinh quan tâm thực hiện đạt hiệu quả. Hội Khuyến học các cấp vận động 187 tập thể, 313 cá nhân đỡ đầu 1.642 học sinh và 95 sinh viên với số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố kết hợp với phòng GD&ĐT phát động các trường hưởng ứng phong trào tiết kiệm “Nuôi heo đất khuyến học” trong nhà trường.

Hội Khuyến học cơ sở vận động các gia đình tham gia phong trào tiết kiệm nuôi heo đất. Kết quả, đã vận động nuôi được 125.836 con heo đất (118.678 heo đất cá nhân, 7.158 heo đất tập thể).

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội đã tổ chức khui 51.081 con heo đất, tiết kiệm trên 33,5 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội Khuyến học các cấp kết hợp với hội phụ huynh học sinh và ban giám hiệu các trường vận động 350 học sinh bỏ học giữa chừng, kết quả có 224 em quay trở lại lớp.

“Để phát huy những kết quả đạt được, các cấp hội nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; kịp thời nhân rộng các điển hình trong công tác khuyến học, khuyến tài, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội”, ông Trần Văn Bồi cho biết.

Xã Phương Thạnh thực hiện phong trào tiết kiệm “Nuôi heo đất khuyến học”, toàn xã nuôi 2.812 con heo đất (31 heo đất tập thể và 2.781 heo đất cá nhân). Trước thềm năm học 2023 - 2024, các cơ sở hội đã tổ chức khui tất cả heo đất, tiết kiệm trên 1,7 tỷ đồng. Đồng thời, hội xây dựng kế hoạch phát động “tái đàn” được 25 heo đất tập thể và 2.783 heo đất cá nhân (năm 2024).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết nối yêu thương trên vùng đất khó