Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Sự kiện diễn ra đánh dấu việc nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở tỉnh Mersin tiếp nhiên nhiên liệu hạt nhân do Nga cung cấp. Công ty năng lượng nguyên tử Nga Rosatom đóng vai trò quan trọng trong dự án cũng như giúp Thổ Nhĩ Kỳ vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Theo đài CNN của Mỹ, sự kiện này đánh dấu việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng siết chặt quan hệ hơn nữa, trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia thành viên NATO.
CNN nhận định, ảnh hưởng của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ còn được duy trì lâu dài, dù các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy đương kim Tổng thống Erdogan không áp đảo hoàn toàn ứng viên đối lập Kemal Kilicdaroglu.
Theo dự đoán của giới quan sát, ông Erdogan và ông Kilicdaroglu sẽ không thể giành đa số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên diễn ra ngày 14/5. Vòng bầu cử thứ hai sẽ diễn ra sau đó và ứng viên nào giành được nhiều phiếu hơn sẽ chiến thắng.
CNN trích dẫn nhận định của các nhà phân tích cho biết, trong trường hợp ông Erdogan không tái đắc cử, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể đột ngột ngả về phía phương Tây và các trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ không thay đổi.
"Tôi nghĩ nếu phe đối lập chiến thắng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hàn gắn quan hệ với phương Tây", Onur Isci, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bilkent ở Ankara, nói trên đài CNN.
Nhưng ông Isci nói rằng, ngay cả khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây được hàn gắn, Ankara cũng không từ bỏ mối quan hệ gần gũi dựa trên triển vọng thúc đẩy kinh tế với Moscow.
Ông Isci nói hầu hết các chính sách đối ngoại của ông Erdogan đều xoay quay sự phát triển kinh tế và dù ai nắm quyền trong nhiệm kỳ tiếp theo ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ tiếp tục chính sách này.
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại quan trọng với Nga. Trong cuộc xung đột ở Ukraine, nước này cũng được hưởng lợi nhờ làn sóng người Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư kinh doanh và bất động sản.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Nga hướng tới mối quan hệ kinh tế gắn bó với Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 62 tỷ USD, theo hãng thông tấn Nga TASS. Điều này đưa Nga trở thành một trong những đối tác lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên minh châu Âu với 28 nước thành viên vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch thương mại đạt 219 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ xếp sau Nga và EU với mức 33,8 tỷ USD trong năm 2022.
Vị trí địa lý gần gũi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (hai nước cùng giáp Biển Đen) và lợi ích kinh tế là lý do dù ông Erdogan không tiếp tục nắm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn duy trì quan hệ gần gũi với Nga, Murat Somer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Koc ở Istanbul, nói trên đài CNN.
Trong khi quan hệ với EU có thể được cải thiện nếu phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ giành chiến thắng, triển vọng khôi phục quan hệ với Mỹ lại là vấn đề khác, các chuyên gia nhận định.
“Khi chúng tôi đề cập đến mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, cần phân biệt rõ giữa mối quan hệ với EU và với Mỹ", ông Isci nói. "Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đi vào ngõ cụt và xuống dốc trong thời gian dài".
Dù ông Erdogan hay phe đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, "Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ tiếp tục tách biệt mối quan hệ với EU và với Mỹ, trong đó mối quan hệ với EU được ưu tiên hơn vì EU là đối tác thương mại hàng đầu", ông Isci nhấn mạnh, theo đài CNN.