Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của ETEP trong bồi dưỡng giáo viên, coi đây là ý nghĩa quan trọng nhất, ông Michael Drabble cho rằng, Chương trình đã chuyển đổi mô hình bồi dưỡng thường xuyên từ truyền thống sang mô hình mới, đó là bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Các giáo viên hỗ trợ lẫn nhau ngay tại nhà trường và việc này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức.
Chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá: Trong quá trình triển khai Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT đã thể hiện rất nhiều năng lực, đặc biệt trong quản lý chiến lược. Bộ thể hiện rõ năng lực chỉ đạo triển khai Chương trình thông qua việc củng cố, thể chế hóa hoạt động bồi dưỡng trên toàn quốc; ban hành những chính sách liên quan đến chuẩn nghề nghiệp giáo viên, hướng dẫn đánh giá giáo viên, thiết lập được các hệ thống để đánh giá và xác định được nhu cầu của người học - giáo viên trên toàn quốc. Sau khi ETEP kết thúc, Bộ GD&ĐT đã duy trì kết quả của Chương trình thông qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Cục đã tiếp nhận các thành tựu, sản phẩm của ETEP để tiếp nối hoạt động bồi dưỡng trên toàn quốc.
Chuyên gia giáo dục cao cấp, Trưởng nhóm Giáo dục của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Michael Drabble phát biểu tại hội thảo. |
Tiếp tục duy trì, tiếp nối kết quả của Chương trình ETEP
Báo cáo những kết quả quan trọng của Chương trình ETEP, tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm tiếp tục duy trì, tiếp nối kết quả của ETEP sau khi Chương trình kết thúc.
Trong đó có việc Bộ GD&ĐT xem xét sử dụng Bộ chỉ số TEIDI trong hoạt động quản lý và tăng cường năng lực các trường sư phạm. Chỉ đạo tiếp tục triển khai mô hình bồi dưỡng thường xuyên kết hợp trực tiếp và trực tuyến đối với đội ngũ cốt cán và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp thường xuyên trên hệ thống công nghệ thông tin có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán. Duy trì và chỉ đạo, quản lý, giám sát kết quả bồi dưỡng thường xuyên, thực hiện quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng thường xuyên, trong đó có việc phỏng vấn lấy ý kiến các đối tượng để hoàn thiện tài liệu và phương thức bồi dưỡng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng khuyến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà cung ứng hệ thống LMS hoàn thiện hệ thống đáp ứng với mô hình bồi dưỡng thường xuyên của Chương trình ETEP, kết nối tự động với Hệ thống TEMIS do Viettel hỗ trợ miễn phí cho đến năm 2026. Chỉ đạo để thống nhất Hệ thống TEMIS với cơ sở dữ liệu ngành, để tạo ra một cơ sở dữ liệu quản lý thông tin giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông. Tiếp tục chỉ đạo các trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục hoàn thiện Chương trình/tài liệu bồi dưỡng, tiếp thu ý kiến góp ý của các sở GD&ĐT, các trường đại học sư phạm khác.
Đối với các trường đại học sư phạm,cần tiếp tục duy trì những kết quả về quản trị nhà trường, thực hiện quy trình PDCA trong quản lý, thực hiện kế hoạch chiến lược. Duy trì các quy trình đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng các mô đun. Hỗ trợ, hợp tác với các sở trong bồi dưỡng thường xuyên và hỗ trợ xây dựng báo cáo TEMIS. Phân công giảng viên sư phạm và giám sát giảng viên sư phạm hỗ trợ cốt cán trong hỗ trợ đại trà.
Đối với các sở GD&ĐT, cần tiếp tục phối hợp với các trường đại học sư phạm trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, bám sát kế hoạch do Bộ GD&ĐT ban hành. Tiếp tục triển khai đánh giá giáo viên trên hệ thống TEMIS để có thể theo dõi sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, và nhu cầu bồi dưỡng. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng và phương thức bồi dưỡng…
Tại hội thảo, đại diện các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục; đại diện giảng viên sư phạm chủ chốt và các sở GD&ĐT đều đánh giá cao vai trò, kết quả của Chương trình ETEP trong 6 năm triển khai. Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị cũng được đưa ra nhằm duy trì duy trì tính bền vững của Chương trình ETEP trong thời gian tiếp theo.